Gặp gỡ thầy Nguyễn Văn Vịnh, giảng viên cao cấp nhất toàn cầu đến từ Đại học FPT

Từng là kỹ sư công nghệ thông tin, mang chuông đi đánh xứ nguời tận Ấn Độ với dự án “100 thành phố thông minh" do Cisco triển khai, rồi thầy Nguyễn Văn Vịnh quyết định chọn lối rẽ với nghề giáo. Tại Đại học FPT, ngoài hoạt động giảng dạy, Thầy Vịnh còn là người tích cực mở ra các sân chơi học thuật, đưa sinh viên chinh chiến các cuộc thi về bảo mật, mang trải nghiệm Trí tuệ nhân tạo đến các trường THPT và mới đây, Thầy Vịnh là một trong rất ít người Việt Nam trở thành giảng viên cao cấp toàn cầu do học viện Cisco bình chọn. 

 

 Hành trình gắn bó của Thầy Nguyễn Văn Vịnh tại Đại học FPT có gì thú vị? Cùng lắng nghe những chia sẻ của Thầy Vịnh để được bật mí nhé! 

 

 Được biết, Thầy từng làm việc tại Tập đoàn Cisco trước khi trở thành giảng viên tại Đại học FPT và đạt giải thưởng giảng viên cấp cao toàn cầu. Thầy có thể chia sẻ thêm về hành trình này?

 

 Tốt nghiệp chuyên ngành CNTT, mình có thời gian đầu quân cho Cisco, trong đó có hơn 3 năm làm việc trực tiếp tại Ấn Độ và tham gia dự án “100 thành phố thông minh". Công việc của mình liên quan đến cố vấn về chuyển giao công nghệ cho các đối tác, bao gồm các giải pháp về mạng, an toàn thông tin, AIoT... Thời điểm đó, Cisco bắt đầu mở Học viện Mạng Cisco và đào tạo cho những cán bộ về mạng, tường lửa, doanh nghiệp, sử dụng dữ liệu thông minh hơn…. Với những kinh nghiệm này, khi về Việt Nam mình bắt đầu tham gia training cho các doanh nghiệp. Lúc đó thấy việc đi chia sẻ những kiến thức mình rất thú vị, và những trải nghiệm, kiến thức mình có vừa hay cũng tiệm cận với chương trình đào tạo ở các trường đại học, vậy là quyết định kiêm thêm nghề giáo.

 

 Kể thêm một chút về chuyện bén duyên với FPTU, có lẽ hơi sớm nhưng mình thấy “hợp vía” trước cả khi vào trường. Khi còn làm tại Cisco, mình có cơ hội cộng tác cùng Đào Trọng Nghĩa là cựu sinh viên Đại học FPT. Ấn tượng về chuyên môn công nghệ, ngoại ngữ và teamwork vượt trội, mình bắt đầu lân la tìm hiểu thì mới biết bạn ấy từ “lò" đào tạo Đại học FPT và biết thêm trường có đào tạo về ngành An toàn thông tin. Sau này khi đã thành người nhà, điều giữ chân mình ở lại chính là môi trường năng động, cởi mở khi giảng viên được tham gia hỗ trợ, đề xuất các kiến thức liên quan đến thực tế doanh nghiệp, cập nhật các khung chương trình mới. Điều này khiến mình không bị thụ động và tránh tình trạng một giáo án cứ dùng mãi.

 

 

Từ kỹ sư công nghệ trở thành thầy giáo tại Đại học FPT, niềm vui của Thầy khi đi dạy là gì?

 

 Đi dạy vui nhất lớp cứ vắng dần sinh viên. Vì vào học kỳ 6, sinh viên đi OJT đã bắt đầu được nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng lao động chính thức ngay sau đó, thành thử các bạn đã có được công việc trước khi tốt nghiệp. 

 

 Cũng như khi mình trồng một cái cây, mảnh vườn, mình cũng kỳ vọng cây đơm hoa kết trái, là sinh viên vững vàng, có một công việc tốt. Có nhiều anh sinh viên to tướng lắm. Đi OJT về là trả lại cho Thầy một tá offer của nhiều doanh nghiệp và nhờ Thầy chọn, có bạn còn nhờ Thầy hiến kế làm sao để deal được lương cao (Cười). 

 

 Nhiều thế hệ sinh viên ra trường, trở thành leader lại quay về trường nhờ Thầy làm nhiệm vụ tuyển quân. Dần dà, công việc của mình đã kiêm thêm làm “Ông tơ bà nguyệt", vừa làm cố vấn cho phòng Quan hệ doanh nghiệp những đối tác phù hợp với ngành An toàn thông tin, vừa chọn đội quân tinh nhuệ cho các doanh nghiệp. Bận rộn thì có bận rộn thật, nhưng cái vui thì gấp bội lần!

 

 

Ngoài công việc giảng dạy bận rộn như Thầy chia sẻ, được biết Thầy cũng đang tham gia tổ chức cuộc thi "Lập trình AI với robot", Thầy có thể kể thêm về cuộc thi này?

 

 Quá trình tham gia tập huấn cho đối tác doanh nghiệp khá ăn sâu vào nghiệp vụ sư phạm của mình là chia sẻ nhiều hơn về kinh nghiệm, áp dụng vào bài toán thực tế chứ không phải chỉ dừng lại ở nội dung môn học, và lồng ghép định hướng ngành nghề, để các bạn có nhiều kỹ năng vững vàng nhất khi đi làm. 

 

 Với mình, bài học trên lớp không đủ đầy bằng những sân chơi để sinh viên trải nghiệm. Do đó khi về trường mình cùng các thầy cô bắt đầu thành lập CLB, đưa sinh viên đi đánh giải - một cách để các em có cơ hội đối chiếu và hoàn thiện mình. Như cuộc thi FPTU Hacking vừa qua, kết quả mang lại khá tốt cho sinh viên và được các sếp ủng hộ. Từ đó mình và anh em trong bộ môn lại trăn trở đến những cuộc thi khác hay hơn. Vừa lúc cuộc thi “Lập trình AI trên robot” đang giai đoạn manh nha. Được lời mời của Thầy Hồ Hải, thấy vừa robot, vừa AI, mang những trải nghiệm đến cộng đồng lại tổ chức ngay tại quê hương Bình Định. Ừ thì thiên thời, địa lợi, nhân hòa là đây!

 

 Tham gia cuộc thi thì mình sẽ soạn giáo trình, tập huấn cho giáo viên, học sinh và soạn đề thi. Thật vui vì ngày tuần đầu tiên, mình đã giúp mọi người hoá giải nỗi lo về cuộc thi. Bởi theo mọi người trước đây hình dung về Robot và Trí tuệ nhân tạo là điều rất khó, thậm chí cao siêu.  Sau tập huấn thì cả thầy cô và học sinh đều hứng thú với cuộc thi. Quan trọng là việc mang trải nghiệm, khơi dậy đam mê nghiên cứu, khám phá Trí tuệ nhân tạo đến các em học sinh - những chủ nhân tương lai là niềm vui gì đó rất đặc biệt. Và hy vọng vòng Chung kết tới đây, kết quả sẽ thật bùng nổ.

 

 

Để theo đuổi ngành và thành công trong lĩnh vực Công nghệ thông tin nói chung, theo Thầy học sinh sinh viên cần trang bị kỹ năng gì?

 

 Điều đầu tiên mình nghĩ là đam mê tâm thế của mình khi bắt tay theo đuổi ngành học, công việc này. Hiểu được ý nghĩa của mình ở đây là giúp người dùng vượt qua được rào cản công nghệ, có những trải nghiệm tốt nhất khi làm việc.

 

 Thứ hai, chắc chắn là khả năng tự học. Giỏi là khi biết mình vẫn dở và không ngừng bồi đắp thêm kiến thức. Giữa lúc công nghệ thay đổi xoành xoạch, nếu không tự trau dồi, làm mới mình thì chắc chắn sẽ không giải quyết được các vấn đề phát sinh. Hoặc có thì chỉ là “chữa cháy” chứ không phải là mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

 

 

Và cuối cùng, lĩnh vực An toàn thông tin, Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ thông tin nói chung sẽ không khó như bạn nghĩ. Đam mê và tự mày mò học hỏi, sẽ giống như chơi game hardcode, càng khó lại càng gây nghiện. Chúc các bạn thành công! 
 

Tin tức Liên quan