Làm sao để không nằm trong nhóm cử nhân thất nghiệp?

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong quý 4/2018, cả nước có 135.800, tương đương 2,57% cử nhân đại học trở lên thất nghiệp. Qua các năm, tỷ lệ này đang có xu hướng giảm dần nhưng con số không hề nhỏ vẫn đáng báo động. 


Lượng người thất nghiệp còn nhiều làm giảm năng suất của nền kinh tế, đáng tiếc hơn khi người có trình độ học vấn cao vẫn không tìm được việc làm. Đây là một sự lãng phí trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng ngoại giao, kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài luôn cần lực lượng lao động chất lượng cao.
 
Mỗi người lao động thuộc nhóm có trình độ đại học trở lên đều đi qua những lần sàng lọc: Kỳ thi THPT Quốc gia, các phương thức thi tuyển từ các trường Đại học, kỳ thi tốt nghiệp để có thể đủ chuẩn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp khi ra trường. Thực tế cứ 1000 cử nhân ra trường sẽ có khoảng 30 người không tìm được công việc phù hợp. Làm sao sinh viên ra trường để không lâm vào cảnh “tốt nghiệp là thất nghiệp”?

 

Bối cảnh mới, chọn ngành phù hợp


Dù muốn hay không, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, nhu cầu doanh nghiệp và loại hình công việc. Ở ngưỡng cửa đại học, bước tìm hiểu xu hướng phát triển, chuyển dịch của ngành nghề luôn cần thiết. Quan trọng không kém là chọn trường đại học có sự đổi mới cách thức và nội dung đào tạo, cập nhật thường xuyên để sinh viên ra trường có thể bắt kịp yêu cầu doanh nghiệp. 


Theo ông Nguyễn Thế Hà, Phó Giám đốc, Trung tâm Quốc gia dịch vụ việc làm, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được coi như điểm nhấn của Kỷ nguyên số và nó có tác động mạnh mẽ đến các ngành và nghề trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam - một quốc gia có nguồn cung lao động khá dồi dào và ổn định với hơn 55 triệu lao động.


Theo đó, CMCN 4.0 sẽ tác động đến số lượng, chất lượng việc làm thông qua sự thay thế sức lao động bằng máy móc, rô-bốt, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ thông tin đối với một số ngành, nghề đang diễn ra nhanh chóng thâm nhập nơi làm việc trên thị trường lao động Việt Nam. Điều này cũng sẽ làm thay đổi bản chất của việc làm, sẽ làm một số công việc biến mất nhưng đồng thời sẽ tạo ra nhiều công việc mới như Uber hay Grab taxi.

Việc làm không còn giới hạn về biên giới, cơ hội làm việc tại công ty nước ngoài ngày càng nhiều. Ngoại ngữ tốt sẽ là một cầu nối vững chắc để cử nhân có thể tìm được công việc tốt, môi trường tốt. Nếu vẫn còn nỗi sợ học ngoại ngữ càng cản trở con đường tạo dựng sự nghiệp sau này cho các cử nhân.

 

Chuyên môn chưa đủ, còn cần kỹ năng


Xã hội phát triển càng đòi hỏi mỗi cá nhân càng linh hoạt, dễ thích nghi trong nhiều tình huống khác nhau càng dễ dàng tìm được công việc phù hợp. Không chỉ kiến thức chuyên môn tốt, các kỹ năng cần thiết khác như kỹ năng quản lý thời gian, quản lý dự án, quản lý tài chính… hay bị xem nhẹ trong khi rất cần thiết.


Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kỹ năng mềm quyết định 75% thành công của con người còn kỹ năng cứng (hay kiến thức, trình độ chuyên môn) chỉ chiếm 25%. Kỹ năng mềm sẽ quyết định bạn là ai, bạn làm việc như thế nào và hiệu quả từ công việc bạn sẽ mang lại. Theo BWPortal, những tiêu chuẩn để đánh giá con người như sự tận tâm, tính dễ chịu cũng là những nhân tố dự báo quan trọng đối với thành công trong nghề nghiệp giống như khả năng về nhận thức và kinh nghiệm làm việc.


Chính bởi vậy, kỹ năng mềm được nhiều nhà tuyển dụng xem trọng. Khảo sát của CareerBuilder cho biết, khi đánh giá một ứng viên tiềm năng cho công việc, phần lớn các nhà tuyển dụng khẳng định rằng kỹ năng mềm quan trọng hơn kỹ năng cứng. Những nhà tuyển dụng hàng đầu có xu hướng chọn ứng viên phù hợp với văn hóa công ty, cả cả khi điều này đồng nghĩa với việc họ phải tốn thời gian để huấn luyện lại. Lí giải điều này, nhà tuyển dụng cho rằng nhân viên sẽ làm việc với nhau hiệu quả và gắn bó để cùng đạt được mục tiêu chung vì họ hợp tác được với đồng nghiệp, phù hợp với văn hóa công ty. Dưới mọi góc độ, điều nay mang lại lợi ích đáng kể cho tổ chức.


Ngoài việc có tinh thần trách nhiệm cao, các kỹ năng mềm có thể giúp các nhà tuyển dụng tiềm năng nhận ra bạn là một người linh hoạt, có khả năng thích nghi và giải quyết vấn đề nhanh chóng cũng như bạn là người đáng tin cậy, có thể dẫn dắt và thúc đẩy đội nhóm.

Lư Cẩm Toàn – Quản lý dự án của một công ty Nhật tại Việt Nam cho biết: “May mắn là bên cạnh kiến thức chuyên môn, việc tham gia và tổ chức hoạt động ở trường Đại học FPT đã cho mình một vốn kỹ năng mềm khá tốt, nên khi sang Nhật mình rất tự tin và có lẽ vì vậy được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao”. Kỹ năng mềm tốt đã trao Toàn cơ hội làm việc tại Nhật 2 năm trước khi làm quản lý chi nhánh tại Việt Nam.


Thất nghiệp luôn là một nỗi ám ảnh nhưng quyết định sự nghiệp ở tương lai có vững chắc hay không vẫn do sự lựa chọn của mỗi sinh viên đại học. “Không ít sinh viên trường chúng tôi đã có việc làm dù chưa tốt nghiệp. Không hẳn các bạn ấy học tốt hơn, nhưng các bạn luôn cố gắng phát triển bản thân, tìm hiểu về xu thế, bối cảnh chung nên linh hoạt và nắm bắt cơ hội tốt hơn” – Ông Lê Bình Trung – Trưởng ban Tuyển sinh Đại học FPT chia sẻ quan điểm.


VY NGUYỄN (Tổng hợp)

Tin tức Liên quan