FPT Software “khát” nhân lực có kỹ năng làm việc toàn cầu

FPT Software là một doanh nghiệp được nhiều sinh viên FPT lựa chọn "đầu quân" sau khi tốt nghiệp.  Mục tiêu của FPT Software từ nay đến năm 2020 mỗi năm sẽ tuyển dụng, tạo ra từ 4000 – 10.000 việc làm. Đây xuất phát từ nhu cầu nhân lực chất lượng cao làm việc cho nhóm ngành Công nghệ Thông tin.

 

Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, trong các ngành kinh tế xuất khẩu, hiện ngành xuất khẩu phần mềm của Việt Nam đang “cạnh tranh sòng phẳng” với các tên tuổi CNTT lớn nhất toàn cầu như IBM, Microsoft, Infosys, Wipro, Neusoft…

 

Riêng với FPT Software, đối tác của doanh nghiệp này đang là những tập đoàn hàng đầu thế giới như Boeing, Deutchbank, Microsoft, Sony, Panasonic, Hitachi, NTT…, các kỹ sư công nghệ của FPT đang cùng các tập đoàn tham gia phát triển những sản phẩm công nghệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng không, y tế, điều khiển ô tô, giáo dục, giao thông, công nghệ truyền hình…, được hàng triệu người trên toàn cầu sử dụng.

 

“Xuất khẩu phần mềm mang đến cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp trên toàn cầu cho hàng trăm nghìn thanh niên Việt Nam trong tương lai gần, và có thể cao hơn con số đó rất nhiều trong tương lai xa”, ông Hoàng Nam Tiến nói.

 

FPT Software hiện có 7200 người, trong đó gần 1.000 người đang làm việc ở 19 văn phòng tại 9 quốc gia trên toàn cầu; có khoảng 350 khách hàng là các công ty lớn trên toàn cầu, trong đó 40 khách hàng có tên trong danh sách Fortune 500. Hàng năm FPT Software cử hàng nghìn lượt người đi công tác và làm việc tại nước ngoài, cho các khách hàng trên khắp thế giới như Mỹ, Nhật, Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông…

 

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, năm 2015, FPT Sofware đặt mục tiêu tăng trưởng 32% doanh thu và tuyển mới 4.000 nhân viên. Doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu đến năm 2016 sẽ có 10.000 kỹ sư và năm 2020 sẽ có 30.000 kỹ sư CNTT. Ngoài ra, từ nay đến năm 2020 mỗi năm sẽ tạo ra 4000 – 10.000 việc làm và cơ hội phát triển nghề nghiệp cho các kỹ sư trẻ Việt Nam, hầu hết là việc làm ở quy mô toàn cầu (số lượng tăng trưởng hàng năm ở mức 40%).

 

Bên cạnh đó, với mong muốn đưa Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT, FPT Software đã có kế hoạch đào tạo 10.000 BrSE (kỹ sư cầu nối tiếng Nhật) từ nay đến năm 2018 (năm 2014, Nhật tiếp tục là thị trường mang lại doanh thu lớn nhất cho FPT Software, đóng góp 50% tổng doanh thu).

 

Ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội không có giới hạn trong cuộc chơi CNTT toàn cầu, mà thách thức dường như chỉ nằm ở chính nội tại bản thân chúng ta. Thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao và sử dụng được ngoại ngữ.

 

Với kế hoạch tuyển dụng của riêng FPT Software từ nay đến 2020 là 4000-10.000 kỹ sư chất lượng cao mỗi năm, trong khi nguồn đào tạo của các trường Đại học Việt Nam hiện nay là 15.000 kỹ sư CNTT mỗi năm, chắc chắn không đủ đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Và trong 15.000 kỹ sư tốt nghiệp mỗi năm, số được coi là chất lượng cao cũng chỉ chiếm khoảng 1/3.

 

Đặc biệt về năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh, Nhật), do chưa được chú trọng tại các trường đại học nên rất khó đáp ứng được yêu cầu công việc có thể giao tiếp và làm việc bằng ngoại ngữ với các khách hàng quốc tế.

 

Ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh, Việt Nam cần mở rộng quy mô đào tạo kỹ sư CNTT từ nay đến năm 2020 lên gấp 3 lần so với hiện nay, trong đó cần nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, bổ sung thêm giảng dạy tiếng Nhật.

Theo ICT 

Xem thêm:

 

Tin tức Liên quan