Cựu sinh viên “nặng nợ” với Toán

Cậu học trò Lê Phúc Lữ bộc lộ năng khiếu và cả đam mê với bộ môn Toán từ rất sớm, cũng đã đạt không ít thành tích đáng nể về bộ môn này. Vào tháng 05/2015, Phúc Lữ đã có 3 tuần giảng dạy tại trường Đại học KAUST  – một trường ĐH danh tiếng tại Ả Rập, nơi mang sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia và cả các nước trong khối  – trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi toán KAUST để tham gia các kỳ thi Olympic Toán quốc tế.

 

Anh chàng cựu sinh viên ĐH FPT này khá năng động. Hiện nay bạn vừa đảm trách vị trí Phát triển phần mềm tại FPT Software, vừa tham gia dạy Toán tại một số trường và trung tâm. Cùng làm quen với người bạn này nhé!

 

Xin chào Lê Phúc Lữ! Bạn giới thiệu đôi nét về bản thân bạn nhé?

 

Mình tên là Lê Phúc Lữ, sinh năm 1991. Mình là SV khóa 5 của Đại học FPT tại TP HCM, chuyên ngành Hệ thống thông tin. Qua một thời gian dài “chiến đấu” với đồ án tốt nghiệp, mình ra trường vào hè năm 2014. Sau khi thất nghiệp được 1 tuần thì mình đã đầu quân cho Fsoft (FPT Software) Tp.HCM, tính ra thì cũng đã theo nghề Software Developer (Phát triển phần mềm) được hơn 1 năm rồi.

 

Phúc Lữ còn khá trẻ nhưng thành tích của bạn thật sự rất đáng gờm.

 

Vì sao bạn lại có đam mê với bộ môn toán học mà theo nhiều người là khô khan nhỉ?

 

Mình thấy môn Toán rất đẹp. Ai yêu Toán sẽ hiểu cảm giác được ngồi hàng giờ liền đến tận khuya để giải quyết, nghiên cứu một vấn đề nào đó thú vị đến thế nào. Nhưng mình cũng phải công nhận rằng môn Toán ngày xưa đối với mình là khao khát khám phá và tìm hiểu, giờ thì ít nhiều đã không được như vậy nữa. Có một giai đoạn nó là mục tiêu, là định hướng để mình phấn đấu cho các kỳ thi Olympic còn bây giờ thì nó là công việc, dù thế nào đi nữa thì nó cũng là một phần không thể thiếu của mình.

 

Môn Toán cho mình khả năng tư duy, có thể giải quyết được nhiều vấn đề một cách khoa học hơn, có thể sáng tạo hơn trong công việc và cuộc sống.

 

Được biết bạn yêu thích bộ môn toán và nổi tiếng với đam mê này từ những năm phổ thông, cũng đã đậu đại học vào một trường khá danh tiếng, vậy bạn đã đến với đại học FPT như thế nào?

 

Mình thích Toán từ nhỏ, đến cấp 3 thì theo học chuyên Toán. Khi lên ĐH, mình chuyển sang CNTT vì muốn đi một con đường mới chứ không phải theo lối mòn, cứ thích gì thì phải theo học chuyên ngành đó. Tất nhiên, ngành của mình cũng ít nhiều có liên quan đến môn Toán, thuộc dạng sở thích và sở trường nên cũng khá yên tâm.

 

Năm 2009, mình cũng cân nhắc nhiều khi lựa chọn ĐH FPT, nhưng vì môn Toán đã cho mình sự sáng tạo rồi nên mình muốn làm một điều gì đó thật đột phá cho tương lai. Thế là mình học FPT thôi. Đến bây giờ, mình vẫn rất hài lòng với quyết định làm sinh viên FPT, điều này mình cũng đã từng “thổ lộ” trong cuốn Kỷ yếu của trường (Cười).

 

Trong thời gian theo học tại FPT, bạn có kỷ niệm nào với bộ môn toán mà bạn yêu thích không?

 

Năm 2011, trường mình trong Tp.HCM không có tham gia kỳ thi Olympic Toán sinh viên nên mình đã đánh liều đăng ký thi tự do. Lúc đó được các thầy bộ môn Toán cùng một cô dạy môn Business Communication động viên: Just do it – muốn thì cứ làm nên mình cũng khá tự tin. Mình tự đón xe ra ĐH Quy Nhơn tham gia cuộc thi và may mắn là đóng góp được 2 giải nhì cho thành tích chung của trường. May mắn hơn là làm quen được với các thầy và anh chị em của ĐH FPT Hà Nội thi chung năm đó. Liên tiếp các năm 2012, 2013, mình lại có thêm nhiều kỷ niệm đẹp cùng với kỳ thi này tại Phú Yên và Đà Nẵng. Thỉnh thoảng nhìn các đàn em đi thi, mình cũng khá vui và nhớ lại những tháng ngày ôn bài, về không khí căng thẳng trong phòng thi lúc trước. Xen vào đó là những buổi văn nghệ giao lưu hay những lúc đi chơi cùng các anh em trong đoàn, …

 

Bạn chia sẻ đôi chút về công việc hiện tại của bạn nhé? Những kiến thức đã được đào tạo, đặc biệt là kiến thức chuyên sâu cùng với đam mê toán học đã hỗ trợ công việc của bạn như thế nào? Có những kỹ năng nào bạn nghĩ các bạn sinh viên cần trang bị để có thể hoàn thành tốt trách nhiệm tại doanh nghiệp?

 

Hiện tại mình đang làm ở Fsoft với vai trò R&D cho dự án. Quả thật mình thấy rất thú vị với công việc này bởi nó khá thoải mái, không bị áp lực thời gian và mình cũng thỏa sức sáng tạo. Vì chủ yếu là làm bên mảng thuật toán nên nhiều khi, mình cũng tiếp cận các vấn đề đòi hỏi vận dụng kiến thức Toán khá nhiều. Tất nhiên công việc nói chung ở công ty không phải đều như thế. Song song với mình, có nhiều bạn khác phải chạy theo deadline dự án từng ngày, phải làm việc ngoài giờ vô cùng căng thẳng. Vì thế nên các bạn sinh viên muốn trở thành một developer tương lai thì cần chuẩn bị các kiến thức thật chắc, không phải cái gì cũng nhớ, nhưng cơ bản là phải biết từ khoá để có thể search trên Google được.

 

Đáng tự hào nhất, gần đây bạn đã tham gia đoàn giảng viên thỉnh giảng xuyên quốc gia, đến đào tạo toán học cho sinh viên trường KAUST, nằm trong chương trình đào tạo học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên để tham dự các kỳ thi quốc tế, đặc biệt là Olympic Toán Quốc tế (IMO) của Ả Rập Saudi. Cảm giác của bạn khi được tin mình sẽ đến đất nước hào hoa này như thế nào?

 

Vào đầu năm nay, một thầy trong Viện Toán có ngỏ ý mời mình tham gia cùng với các thầy khác sang Ả Rập để hỗ trợ đội tuyển Olympic của bên họ. Nói thêm về chương trình này, theo mình được biết thì việc bồi dưỡng học sinh giỏi của Ả Rập được đẩy mạnh trong các năm gần đây, họ muốn giữ vị trí cao trong lĩnh vực này, xứng đáng với vai trò anh cả của các nước Ả Rập thống nhất. Ngay năm trước, họ đã có mời các chuyên gia của Mỹ và Trung Quốc. Họ muốn thử cộng tác với các nước thường được kết quả cao trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế để học hỏi kinh nghiệm nên đã liên hệ với trưởng phó đoàn Olympic Toán của Việt Nam để xây dựng kế hoạch. Với mình, đây là một cơ hội vô cùng hấp dẫn nên mình đồng ý ngay. Theo kế hoạch thì mình đi vào 3 tuần cuối của tháng 5 vừa qua với thầy Nam Dũng, là chuyên gia về Toán Olympic và cũng là cựu trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác SV của FU Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có nhiều chuyên gia, giáo sư rất nổi tiếng khác nên mình cũng thấy rất vui và cũng ít nhiều có áp lực cho việc đầu tư các bài giảng một cách thật cẩn thận, chu đáo. Vốn tiếng Anh về lĩnh vực này của mình cũng tương đối ổn, trở ngại ở đây là giao tiếp bằng tiếng Anh hơi ít nên mình cũng phải chuẩn bị khá nhiều.


Trong ảnh: Lê Phúc Lữ – áo xanh, thứ ba từ trái sang.

 

Việc giảng dạy toán học có lẽ không xa lạ với bạn, nhưng ở một đất nước khác biệt với chúng ta về mọi mặt bạn có gặp khó khăn gì hay không? Bạn đã vượt qua như thế nào?

 

Học sinh Ả Rập rất năng động, ngay cả các bạn nữ, không hề giống như những gì mình tưởng tượng. Sang đó, mình được giao nhiệm vụ dạy về Hình học phẳng và tổ hợp, phân môn mà mình gắn bó ngay từ những năm đầu tham gia dạy đội tuyển học sinh giỏi TP HCM. Học sinh rất chăm chỉ, vốn tiếng Anh cũng rất tốt.

 

 KAUST là địa điểm tập trung của đội tuyển và cũng là một khu campus Đại Học hiện đại và lý tưởng nhất Trung Đông, được vua Abdullah xây dựng vào năm 2009 với quy mô 36km2 là nơi vô cùng lý tưởng cho học viên cao học, nghiên cứu sinh quốc tế mọi chuyên ngành. Mình phải dạy học sinh bằng máy chiếu, sử dụng các file soạn thảo bằng Latex nên lúc đầu không quen lắm. Học sinh thì giữa giờ có các buổi cầu nguyện nên cũng gây gián đoạn ít nhiều thời gian dạy.

 

Ngoài ra, cách làm việc của họ cũng khá tập trung, một buổi dạy làm việc từ 8h sáng đến 6h tối, chỉ được nghỉ 60 phút để ăn uống từ 2h đến 3h. Nhiều lúc còn phải dạy đến 8-9h tối, khá nặng. Trong tháng chay Ramadan vừa rồi, các anh em đi sau mình còn phải dạy từ giữa đêm đến tận sáng do ban ngày họ không có làm việc. Còn nhiều trở ngại khác, về văn hóa, cách sinh hoạt, ăn uống nhưng không quá khó để vượt qua.

 

Sau chuyến đi đó, bạn có rút ra được những đổi mới gì để áp dụng tại nước nhà không?

 

Môi trường học tập và giảng dạy của họ khá lý tưởng. Học sinh cũng được chiều chuộng về mọi mặt. Tuy nhiên, xét về kinh nghiệm trong lĩnh vực Olympic thì họ còn đang trong giai đoạn học tập Việt Nam mình. Đó là về nội dung đào tạo, còn xét về mặt tổ chức thì họ có khá nhiều cái hay. Chẳng hạn ngay việc cho đề và canh thi, họ làm rất thoải mái, không quá rườm rà, nghiêm ngặt như Việt Nam. Kỳ thi chọn đội tuyển quan trọng nhất ở đó cũng được thực hiện đơn giản, thí sinh ra vào hay có thể ăn uống giữa giờ thoải mái. Sau đó, đến khi chấm điểm, các thí sinh còn được trao đổi trực tiếp với giám khảo về bài làm để bảo vệ quan điểm, ý tưởng của mình, không để xảy ra bất cứ tình huống sai sót nào. Đây là một điều rất dân chủ và nhân văn mà nước mình rất nên học hỏi.

 

“Đến khi chấm điểm, các thí sinh còn được trao đổi trực tiếp với giám khảo về bài làm để bảo vệ quan điểm, ý tưởng của mình, không để xảy ra bất cứ tình huống sai sót nào. Đây là một điều rất dân chủ và nhân văn mà nước mình rất nên học hỏi”.

 

Bạn có yêu thích việc giảng dạy, chia sẻ những kiến thức toán học như thế này không hay chỉ đơn thuần là yêu thích những con số, công thức, phương trình và muốn nghiên cứu chuyên sâu về nó? Định hướng sắp tới của bạn cho niềm đam mê của mình là gì?

 

Ngoài công việc lập trình vào giờ hành chính, mình còn tham gia giảng dạy, bồi dưỡng văn hóa cho các học sinh THPT vào ban đêm tại trung tâm cũng như thỉnh thoảng đi dạy ở vài tỉnh lân cận. Có những lúc mình làm việc rất căng thẳng, gần 20 tiếng một ngày, hầu như không có thời gian thư giãn, giải trí gì. Trong đợt vừa rồi, mình cũng có tham gia dạy ở trường hè dành cho giáo viên tại Bình Dương và dạy đội tuyển học sinh giỏi khu vực phía Nam trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ Toán học tại Vũng Tàu. Đây cũng là công việc mình làm 4-5 năm nay rồi.

 

Mình không đam mê một cách thuần túy mà muốn tìm các cơ hội để vận dụng những điều mình nghiên cứu, tìm tòi được vào thực tế mà thiết thực nhất là việc đi dạy. Đó cũng chính là động lực để mình yêu thêm môn Toán và có cơ hội gắn bó với nó nhiều hơn.

 

Tuy nhiên, trong vòng 2-3 năm sắp tới, mình sẽ vẫn gắn bó với FSOFT  Một mặt là giữ đúng nghĩa vụ đóng góp 3 năm cho FPT như cam kết học bổng lúc trước, mặt khác là có cơ hội hoàn thiện khả năng chuyên ngành của mình cũng như suy nghĩ kỹ hơn về các quyết định cho tương lai.

 

Làm được những điều như bạn không phải ai cũng có thể làm được, vậy Lữ có điều gì chia sẻ đến những bạn sinh viên khoá dưới của ĐH FPT và nhất là những bạn cũng đang “đem lòng yêu” bộ môn toán như bạn không?

 

Nói chung, muốn làm gì đó thì mình phải quyết tâm và nhiều khi phải liều lĩnh một tí. Trong thời gian đầu của giai đoạn sinh viên trước đây, mình đã nhiệt tình tham gia thêm các chương trình bên ngoài, các hội thảo cũng như các diễn đàn về Toán. Thông qua đó, mình có cơ hội quen biết thêm nhiều người và họ có thể giúp mình nhiều thứ mà tự bản thân khó có thể xử lý được. Đôi lúc cũng phải biết hy sinh thời gian rảnh, chịu khó đóng góp cho cộng đồng mà mình quan tâm một chút, giúp đỡ các bạn trẻ đi sau mình.

 

Mọi cố gắng của chúng ta sẽ luôn được đền bù một cách xứng đáng. Có thể nói là được sống trong niềm đam mê thật vô cùng may mắn, nhưng được sống bằng niềm đam mê thì lại càng hạnh phúc và ý nghĩa hơn!

 

Cám ơn bạn Lê Phúc Lữ đã dành thời gian cho bảng câu hỏi này. Chúc bạn ngày càng thành công và có thể lan rộng niềm đam mê bổ ích này đến các bạn khác nhé.

 

Một số thành tích tiêu biểu của Lê Phúc Lữ:

 

  • Năm 2007, Huy chương đồng Olympic 30 – 4 tại Huế.
  • Năm 2008, giải II vòng tỉnh, HCV ĐBSCL, giải II thi giải Toán trên máy tính vòng tỉnh, giải III thi giải Toán trên máy tính khu vực miền Nam, HCV Olympic 30-4 tại TPHCM.
  • Năm 2009: giải II học sinh giỏi vòng tỉnh, Huy chương vàng ĐBSCL, giải I thi giải Toán máy tính cấp tỉnh, giải II cấp khu vực miền Nam, giải II học sinh giỏi cấp Quốc gia.
  • Năm 2011: giải II môn Đại số và giải II môn Giải tích kỳ thi OLP Toán Sinh viên tại Quy Nhơn.
  • Năm 2012: giải I môn Giải tích kỳ thi OLP Toán SV tại Phú Yên.
  • Năm 2013: giải I môn Đại số kỳ thi OLP Toán SV tại Đà Nẵng.

 

BÍCH VY (thực hiện)

Tin tức Liên quan