Trong bài luận đạt điểm tuyệt đối của Kỳ thi Học bổng ĐH FPT có gì?

Vừa qua, bạn Trần Xuân Thành (THPT Trấn Biên) đã xuất sắc giành học bổng 100% ngành Trí tuệ Nhân tạo - Đại học FPT. Không chỉ chinh phục thành công các câu hỏi về EQ, IQ, logic, tính toán..., Thành còn khiến nhiều bạn chú ý bởi bài luận đạt điểm tuyệt đối.

 

 

Đại học FPT trích đăng toàn bộ bài luận đã đạt 15/15 của bạn Xuân Thành:

 


Với đề thi này, Thành cho rằng "Anh hùng tạo thời thế” là đúng hơn, là chuẩn hơn, là rộng hơn so với câu còn lại. Theo Thành, mỗi người một suy nghĩ khác nhau. “Anh hùng” tức là năng lực, sự phát triển của bản thân; còn “thời thế” là hoàn cảnh xã hội hay môi trường thực tế mà gắn với “anh hùng” đó.

 

Câu thứ hai muốn khẳng định phải có hoàn cảnh thuận lợi để giống như đất tốt, chất dinh dưỡng đầy đủ cho cây thì mới có thể ươm mầm tài năng, mới có thể tạo ra nhân tài, “anh hùng” được. Trong khi câu thứ nhất nghe có vẻ ngược lại: anh đã giỏi thì ở đâu anh cũng phải giỏi (cách nói dân gian), hay nếu hoàn cảnh, môi trường không thuận lợi cho anh thì nếu anh giỏi, anh phải biết cách biến đổi nó, thay đổi nó, “xoay chuyển càn khôn”, biến bất lợi thành thuận lợi, biến khó khăn thành động lực, nói chung là tạo ra một hoàn cảnh mới phù hợp và tốt cho sự phát triển của mình.


Dẫn nhiều ví dụ, Thành khẳng định "Đã là anh hùng là phải cực kỳ giỏi, xuất chúng, có tài kinh bang tế thế, xoay chuyển càn khôn, được cả xã hội mến mộ và khâm phục, trọng vọng. Từ nhỏ bố em đã dạy em rằng: “đã giỏi là phải giỏi hẳn, chứ nhồi nhội thì vứt”, đến giờ người vẫn thường nhắc em như vậy. Ý là đã giỏi là phải giỏi thực thụ, giỏi từ chính bản thân, chính ý chí. Không thể có kiểu biện hộ: “ừ, do tôi nghèo, nên tôi không thể kinh doanh tốt”, “ừ, tôi giỏi đấy, chẳng qua là do hoàn cảnh, môi trường làm tôi không phát triển được thôi!”.Theo Thành, những câu biện hộ kiểu như vậy không chỉ là kém cỏi về ý chí mà còn kém cả về năng lực.

 

Nhớ lại lời răn dạy của mẹ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, Thành giải thích thêm: "Có nghĩa là trong mọi hoàn cảnh, ta phải xem xét yếu tố bản thân trước khi phán xét người khác, phán xét xã hội, phán xét hoàn cảnh. Nói thật rằng, nhà em cũng có một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, song từ nhỏ, em chưa bao giờ coi đó là chướng ngại vật, thua thiệt so với mọi người. Các bạn có gì hơn mình là em tự đặt câu hỏi: tại sao mình không thể làm ra những thứ đó? Tuy rằng em vẫn chưa là gì trong xã hội, nhưng em tin rằng, sự phấn đấu không ngừng của mình trong tương lai sẽ là một giọt nước hòa vào đại dương phát triển của nhân loại. Yếu tố bản thân cũng được đề cao bởi một bậc hiền tài vĩ đại trong lịch sử dân tộc: “Trách người một, trách ta mười. Bởi ta tệ trước, cho người bạc sau”. Và tất cả những điều đó không nằm ngoài việc đề cao “anh hùng”. Theo đó, “anh hùng” phải biết xoay chuyển những điều không thể thành có thể, biến thành hoàn cảnh thuận lợi cho mình. Và khi đó, mầm, cây xanh anh hùng càng phát triển mạnh mẽ hơn do đã có xung quanh một môi trường thuận lợi rồi. Thế nên em nói: “Anh hùng tạo thời thế” là rộng hơn “Thời thế tạo anh hùng” là vì đây" .


Suốt chiều dài lịch sử loài người, bất kỳ vĩ nhân nào cũng đều phải tạo “thời thế” hết. Chẳng hạn, Gia Cát Lượng – hẳn ai cũng biết, thời đầu thiên hạ là một mớ hỗn loạn, mà mạnh nhất là Tào Tháo; còn chủ của ông Lưu Bị – có thể nói không thể tồn tại được trong cái thế cục như vậy, bởi yếu mỏng về lực lượng. Song nhờ Gia Cát Lượng, ông đã xoay chuyển càn khôn, tạo ra thế chân vạc chia ba thiên hạ, giúp cho Lưu Bị có chỗ đứng và phát triển – trong sự ngỡ ngàng của cả người đương thời lẫn hậu thế sau này. Gần đây hơn, Steve Jobs, Bill Gate, Jack-ma là những tấm gương lớn đáng để ta học hỏi. Vào cái thời 90 – 2000, Internet là gì, thương mại điện tử là gì, máy tính cao cấp là gì? Đó là những hoàn cảnh thuận lợi để cho Jackma phát triển mạng máy tính và trở thành tỷ phú như bây giờ chăng? Bill Gate – cũng cái thời thế mà chả mấy người quan tâm đến máy tính, cũng phải chật vật đi tìm người hiểu mình – và giờ trở thành ông chủ của Windows đó. Ở Việt Nam cũng vậy, rất nhiều bạn trẻ, em nhỏ không có đủ điều kiện như đồng trang lứa, nhưng họ đã tự “phát minh ra các điều kiện” đó; VinGroup thì sao? Việt Nam không phải là nước có nền kinh tế thị trường mạnh mẽ, và càng hơn thế ở thời điểm Phạm Nhật Vượng khởi nghiệp. Nhưng tại sao ông vẫn trở thành tỷ phú? Có phải do nền kinh tế thị trường hỗ trợ không, hay phải do ông tự tạo ra nền kinh tế thị trường.! (?)


Nói đi cũng phải nói lại. Không thể phủ nhận “thời thế” có thể ảnh hưởng hay kìm hãm sự phát triển của anh hùng. Nhưng vẫn theo quan điểm của em, “anh hùng” phải tạo ra thời thế mới. Em vẫn luôn ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – sinh ra trong thời đất nước bị chìm xuống vũng bùn thực dân, nhưng Người nhờ có ý chí nghị lực phi thường và lòng yêu nước nồng nàn, đã tạo ra thời thế cho Cách mạng Việt Nam và đưa đất nước độc lập, tự do như bây giờ.


Kết bài, Thành nói: "Có thể em sẽ không thể là anh hùng. Nhưng “Anh hùng tạo thời thế”, những vị anh hùng vĩ đại sẽ luôn làm em ngưỡng mộ và có thêm động lực để phấn đấu, chí ít cũng thành “tiểu anh hùng” (!)".

 

 XUÂN THÀNH 

 

Tin tức Liên quan