“Tôi đi code dạo”: Hành trình từ coder đến senior Developer và mức lương khủng trong ngành công nghệ thông tin

03/10/2024

Chia sẻ về ngành Công nghệ Thông tin, hot blogger “Tôi đi code dạo” chia sẻ “Những lập trình viên giỏi ở Việt Nam, lương không dưới 50 triệu đồng/tháng, nhưng khi theo ngành công nghệ thông tin, tiền bạc và danh vọng chỉ là phần bonus phụ thêm”

 

Tham gia Talkshow “Nghề IT có như lời đồn” tại ĐH FPT TP.HCM mới đây, hot blogger Phạm Huy Hoàng đã tiết lộ mức lương trên thị trường hiện nay dành cho các bạn trẻ có mong muốn theo đuổi đam mê công nghệ thông tin. 

 

Xem thêm

Phạm Huy Hoàng, tác giả “Tôi đi code dạo” cho biết, lương của ngành lập trình phần mềm khá “khủng”. Tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào khả năng của từng người. Theo ngành Công nghệ Thông tin, những bạn lập trình viên giỏi ở Việt Nam, lương không dưới 50 triệu đồng/tháng. Còn mức lương trung bình của lập trình viên nước ta hiện nay là 10-20 triệu đồng/tháng, anh “Hoàng code dạo” cho biết. 

Cựu sinh viên ĐH FPT TP.HCM cũng cho biết thêm, nhu cầu nhân sự trong ngành lập trình rất cao. Mọi thứ ngày nay đều cần đến phần mềm. “Ngành lập trình đã “hot” từ hơn mười năm trước và hiện nay vẫn đang được doanh nghiệp tích cực săn đón”, anh nói. 

Theo anh chia sẻ, có những bạn sở hữu khả năng thiên tài, vừa ra trường đã nhận được mức lương 1000-2000 USD/tháng. Còn lại đa phần những lập trình viên khác, kiến thức trong ngành Công nghệ Thông tin sẽ được tích lũy theo thời gian. Bắt đầu từ Junior/Fresher, sau 2-3 năm đạt đến trình độ Senior, lương của các bạn mới bắt đầu “khủng” như mong đợi. “Công ty startup của bạn mình tuyển dụng Senior Developer với mức 4000 USD/tháng và đang rất cần nhân sự”, anh Hoàng chia sẻ mặt bằng lương của lập trình viên trên thị trường hiện nay. 

Khi mới ra trường, khoảng 1-2 năm đầu, các bạn cần quan tâm tới kiến thức và kỹ năng mà mình học được chứ không phải mức lương. Để tiến bộ, cần quan sát và học hỏi từ bạn bè, sếp và những cái hay trong mỗi dự án. Trong quá trình phỏng vấn, các bạn cần trình bày được hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân trong ngành lập trình. Như thế mới thuyết phục được giá trị với nhà tuyển dụng và có mức lương mong muốn. 

 

Nói về hành trình từ level “code dạo” đến senior Developer của mình anh Hoàng không ngần ngại tỉ mỉ chia sẻ. Khi còn là sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm tại ĐH FPT TP.HCM, anh dành 2 năm đầu để học về các ngôn ngữ lập trình: C, C++, Java, thuật toán, cấu trúc dữ liệu, cơ sở tạo quản lý dữ liệu theo chương trình được đào tạo ở trường. Đến năm thứ 3, anh bắt đầu thực tập tại FPT Software, sau khi tốt nghiệp “Hoàng code dạo” chính thức làm việc tại Fsoft, vị trí Junior Dev.

Sau khi tham gia một số dự án phần mềm tại Fsoft, anh chuyển sang các doanh nghiệp khác trong nước và tiếp tục học hỏi kinh nghiệm. Ngoài kỹ năng chuyên môn, hot blogger cũng trau dồi thêm các kỹ năng mềm khác như giao tiếp với khách hàng, thiết lập và xây dựng mối quan hệ…

Tiếp đó, anh quyết tâm thi Ielts lấy điểm số cao và nộp đơn vào trường Đại học Lancaster (Anh quốc) theo chương trình học Thạc sĩ Khoa học máy tính, và nhận về học bổng 18000 bảng. Tại Đại học Lancaster, anh được học những kiến thức cơ bản như chương trình bậc đại học, và được bổ sung các kiến thức thú vị khác như data mining, machine learning. 
 
Hoàn thành việc học, hot blogger “Tôi đi code dạo” bắt đầu hành trình phỏng vấn khắp trời Tây và nhận được offer công việc tại nhiều quốc gia: Anh, Singapore, Hà Lan, Thái, Áo, Đức. Do Singapore gần quê nhà, anh quyết định chọn làm nơi “cập bến”. 

Chỉ sau 2-3 năm bắt đầu vào nghề với vị trí junior, chức danh hiện tại của anh đã là senior Programer/Developer. “Các bạn mới ra trường đừng lo lắng vì mức lương ban đầu. Học lập trình không khó lắm. Khi tốt nghiệp rất dễ tìm việc. Sau 1-2 năm đạt cấp bậc team leader, senior, các bạn sẽ có mức lương khá hơn”, anh nhắn nhủ. 

Sở hữu 3 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung, anh Hoàng hiện đang làm việc tại Singapore nhiều năm với đúng chuyên ngành đã học. Với kinh nghiệm trong ngành, theo anh Hoàng, đa phần sinh viên ngành Công nghệ Thông tin tại nước ta có kiến thức khá ổn. 

Nhưng song song đó, có những kỹ năng các bạn cần cải thiện nhiều hơn là tiếng Anh và khả năng tự mày mò, tự học. “Cá nhân mình làm việc ở nước ngoài thấy rằng, khả năng kỹ thuật của nhân sự nước bạn cũng không quá khác biệt bạn bè và đồng nghiệp lập trình viên của mình tại Việt Nam. Quan trọng là họ có kỹ năng giao tiếp “chém gió” và tiếng Anh tốt hơn lập trình viên Việt Nam”, anh nhận định. 

Có thể nói, hành trình khám phá nghề lập trình phần mềm của tác giả “Tôi đi code dạo” khá thú vị. Tuy nhiên, anh lại khiêm tốn cho rằng “Khả năng của mình cũng không gọi là quá giỏi. Chỉ cần chịu khó học hỏi, rèn ngoại ngữ, rèn code, rèn các ngôn ngữ công nghệ hay, cơ hội công việc cho chúng ta sẽ là vô số. Ngành lập trình phần mềm “thả” ra đâu cũng sống được”, hot blogger cũng đồng thời mách nước về cách phát triển và sức hút của ngành Công nghệ Thông tin cho những bạn trẻ đam mê nghề IT. 

 

Hoàng Nhung

 

Năm 2020, ĐH FPT tuyển sinh các ngành Quản trị Kinh doanh (Digital Marketing, Kinh doanh Quốc tế, Quản trị Khách sạn, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Quản trị Truyền thông Đa phương tiện); Ngôn ngữ AnhNgôn ngữ Nhật; Ngôn ngữ Hàn Quốc; Công nghệ thông tin (Kỹ thuật Phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, IoT, Phần mềm ô tô (dự kiến), Xử lý dịch vụ số (dự kiến), Thiết kế Mỹ thuật số). Dựa trên công cụ tra cứu xếp hạng học tập SchoolRank, trường ĐH FPT sẽ chỉ tuyển TOP50 học sinh trên cả nước theo hình thức học bạ và điểm thi THPT Quốc gia. Ngoài ra, TOP30 có cơ hội tham gia chinh phục học bổng của trường vào ngày 28/6. Thí sinh quan tâm, vui lòng gọi điện 028 73005588 hoặc xem thêm thông tin TẠI ĐÂY

 

 

Ngay từ bây giờ, thí sinh có thể đăng ký để được tư vấn và giành cơ hội trở thành sinh viên Đại học FPT.

 

 

Chia sẻ qua: