Thú nuôi bò sát của người trẻ

05/07/2019

Rắn, cá sấu, trăn…, ai nhìn cũng sẽ dễ phát khiếp. Thế nhưng hiện nay, nuôi những con vật này lại trở thành thú vui của nhiều bạn trẻ.

Như một loại thú nuôi

 

Cứ vài tuần hoặc vài tháng, tại TP.HCM lại diễn ra những buổi gặp mặt của các bạn trẻ yêu bò sát. Hàng trăm bạn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi và “trình làng” những loài bò sát mà mình đang sở hữu.

 

Trần Bá Minh (28 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) hiện sở hữu 6 con trăn ball, hay gọi vui là trăn bóng hoặc trăn hoàng gia. Theo Minh, đây là loại trăn tương đối hiền, thân thiện và đáng yêu. Minh kể: “Từ lúc còn học tiểu học, mình đã thích xem chương trình về động vật, nhất là trăn và rắn; thích xem cách chúng săn mồi và lột da khi lớn. Từ năm 2011, mình bắt đầu nuôi trăn ball và rắn ngô, lúc đấy mỗi con tầm 1,8 triệu đồng. Phải nói giá tiền với mẹ để mẹ tiếc tiền mà không dám lén thả. Nhưng nghĩ cũng thương mẹ, những ngày đầu vì quá lo lắng cho mình nên mẹ bị căng thẳng và đêm nào cũng nằm mơ thấy rắn bò vào miệng, vào mũi con”.

 

Hầu hết các bạn trẻ khi bắt đầu sở thích nuôi bò sát đều bị gia đình cấm cản. Lê Vy, sinh viên ngành Thiết kế đồ họa – Trường ĐH FPT, dù là con gái nhưng rất mê nuôi rắn. Hiện Vy sở hữu trên 10 con rắn các loại như rắn lục chúa, rắn sọc vàng, rắn khuyết lào, rắn vàng anh, rắn hổ trâu và cả trăn đất.

 

“Lúc em mới mang về con bò sát đầu tiên là “rồng Nam Mỹ” – Iguana, ba mẹ cũng có nói này nọ kiểu như “tự dưng tha thằn lằn về nuôi”, rồi em mang con rắn đầu tiên là rắn lục kim về thì ba mẹ bảo vứt không cho nuôi, tuyệt đối cấm vì mê tín các kiểu. Nhưng sau này thấy em nuôi, ấp trứng rắn con… nên cũng quen và hiểu. Riết bây giờ ba mẹ còn cho ăn và trông giúp khi em không có nhà”, Vy chia sẻ.

 

Còn Lê Tuấn Phát (16 tuổi, ở Bình Dương) đang sở hữu khá nhiều con vật, trong đó có bò sát và lưỡng cư như rắn thanh xà kỳ lân, rắn ráo trâu, rùa và ếch bò Châu Phi. “Em thích nuôi vì ở loài bò sát, việc thuần hóa khác hoàn toàn chó mèo. Mình phải làm sao cho chúng tin tưởng và không hoảng sợ. Chính vì thế mà chúng luôn cho người nuôi cảm giác thích thú, mới lạ”, Phát nói.

Còn Vy cho biết: “Thực ra, bò sát cũng như các loại thú nuôi khác, chỉ là khi chưa được phổ biến kiến thức về bò sát, người ta sợ hãi những loài mà họ không biết đến. Còn ngày nay có nhiều diễn đàn, mạng xã hội về thú chơi này nên người trẻ mới biết đến bò sát như một loại thú nuôi”.

 

Chấp nhận bị cắn

 

Khi người viết thắc mắc: “Các loài bò sát này có được thuần hóa trước khi nuôi?”, nữ sinh viên Thiết kế đồ họa Đại học FPT thẳng thắn: “Rắn hay các loài bò sát căn bản là không thuần được. Nuôi sau một thời gian, nó sẽ ít sợ mình và ít cắn hơn. Nhưng nói chung, nuôi bò sát như rắn, trăn hay cá sấu… thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ bị chúng cắn, cũng như nuôi chó mèo thì chấp nhận bị cào vậy đó”.

 

Vy lý giải thêm, nếu nuôi một thời gian sẽ hiểu về rắn hơn, sẽ biết khi nào nó khó chịu, không động vào, hoặc cách bắt như thế nào để không bị cắn. Chẳng hạn như có những loài có tính lãnh thổ, nếu ở trong nhà chúng thì chúng cắn, còn đem ra ngoài thì lại ngoan. Hay có loài chọt như thế nào cũng không cắn, nhưng cầm lên thì nó cắn ngay lập tức. Cũng theo Vy, do không nuôi rắn độc nên không nguy hiểm, nếu bị cắn thì chỉ trầy xước các kiểu.

 

Phát thì kể có nhiều bạn vẫn nuôi cá sấu. Nếu không thích cá sấu lớn, gây nguy hiểm thì có thể kìm hãm chế độ ăn của chúng lại. Nhưng hiện nay loài bò sát nào cũng được người trẻ “thích thử sức”. Nhiều bạn còn thích cảm giác mạnh hơn nên nuôi những loài có độc.

 

Nếu một ngày bị vật nuôi phản bội thì sao? Phát không chần chừ cho biết: “Nhiều chứ, nhưng dùng từ phản bội thì không đúng lắm vì đã là bò sát thì không có khái niệm quen chủ. Chúng chỉ tin tưởng con người nên hiền dần đi. Còn cá sấu nuôi được cho ăn uống sạch sẽ nên có cắn cũng không bị nhiễm trùng như trong môi trường tự nhiên”.

 

Vì yêu thương và chăm sóc như các loài vật nuôi bình thường khác nên các cô cậu chủ hiểu rõ từng đặc tính hay những lúc đau bệnh của bò sát.

 

“Nếu rắn bị bệnh sẽ có triệu chứng ra bên ngoài da, như kiểu sưng hay có đàm mà nhìn vào là ta biết không ổn rồi. Rắn bình thường khỏe sẽ di chuyển, thè lưỡi cảm nhận xung quanh, khi bệnh sẽ nằm một chỗ, cầm lên mềm mềm. Lúc phát hiện bệnh sẽ cho uống hoặc tiêm thuốc để mau khỏi bệnh”, nữ sinh Đại học FPT chia sẻ.

 

Còn Phát đã trở thành chuyên gia ấp trứng rắn. Chàng trai trẻ vui mừng khoe với chúng tôi khi mới ấp nở được 11 rắn con. Mỗi lần ấp trứng, Phát dùng đèn rọi vào trứng, nếu thấy mạch máu là có phôi. Mới đầu soi có phôi, Phát để yên vài tháng đến gần nở và bắt đầu soi đèn lần nữa nếu thấy rắn con hấp thụ hết noãn, tức đã đến lúc rắn chuẩn bị chui ra, Phát sẽ rạch trứng. Mặc dù trứng vẫn có thể tự nở nhưng để đảm bảo rắn không bị kẹt chết nên Phát canh để rạch trứng.

Theo THANH NIÊN

Chia sẻ qua: