[THẦY CÔ TRƯỜNG F] Giải mã chữ KT trong KhánhKT, có phải Khó tính như lời đồn

10/03/2020

Giảng viên KhánhKT (Kiều Trọng Khánh) là một cái tên quen thuộc với rất nhiều thế hệ sinh viên Đại học FPT, đặc biệt là các bạn sinh viên khối ngành Công nghệ thông tin. Hơn cả sự quen thuộc, đôi lúc là cả “sợ hãi” vì thầy khó tính lắm, thầy nghiêm túc lắm. Nhưng… trò chuyện với thầy mới hiểu được tất thảy những lý do. 

“Tôi không muốn các bạn sinh viên như tôi?” 

Tốt nghiệp Kỹ sư phần mềm tại một trường Đại học có tiếng, thầy Khánh được nhận học bổng du học của Thành uỷ TP.HCM. Sau đó, thầy tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học máy tính tại trường Asian Institute of Technology (AIT) – Thái Lan và làm việc 3 năm tại Sở Thông tin – Truyền thông.

 

Đi dạy từ những năm 2002, bén duyên với Đại học FPT từ năm 2009, thầy Khánh kể: “Đi dạy có cái hay của nó, đi dạy sẽ học nhiều hơn, học từ nghiên cứu và đôi lúc là học từ sinh viên của chính mình nữa. Với tôi, đi dạy là để giúp một con người bình thường trở thành một người tốt hơn. Có người chuộng điểm cao nhưng điều quan trọng của việc đi học, những gì học được mới là điều quan trọng”. 

Nhớ về những ngày đầu tiên đi dạy tại Đại học FPT, thầy chia sẻ: “Lứa sinh viên đầu tiên mà tôi dạy cũng là lứa sinh viên đầu tiên của Đại học FPT TP.HCM. Các bạn đều là những sinh viên giỏi và hỏi khá nhiều, nhiều câu cũng “khó đỡ” lắm. Để dạy 1 giờ rưỡi cho các bạn thì tối phải đọc 8000 tài liệu không chừng”.

Sinh viên có bạn chăm, có bạn lười, có bạn giỏi, có bạn còn lơ đãng học tập… Để luôn truyền cảm hứng cho tất cả các bạn trong các tiết học, thầy Khánh dạy bằng sự nhiệt tình, và bằng kinh nghiệm dày dặn của bản thân.

“Tôi ra trường là một thủ khoa. Tự hào chứ nhưng khi ra trường, đi nộp hồ sơ vào công ty, một số bạn không phải thủ khoa lại ẵm ngay suất làm việc lương cao hơn tôi. Tôi không muốn các bạn như tôi. Học để làm được chứ không phải học để điểm cao, kiến thức là nền tảng và khi đi làm các bạn cần sự thực tế nhiều hơn”. 

Do đó, thầy luôn mong muốn sẽ truyền đạt kiến thức để các bạn có nền tảng vững chắc và truyền đạt nhiều kinh nghiệm cho các bạn để ứng dụng trong công việc tương lai. Đồng thời, cũng khơi gợi khả năng tìm tòi, nghiên cứu và sự tự học. Đối với thời đại bây giờ, kiến thức không bao giờ dậm chân tại chỗ, không học và không đọc mỗi ngày nghĩa là bạn tự thụt lùi.

KT là khó tính hay kute (dễ thương) đều ở cách nghĩ của sinh viên

Khi được hỏi rằng, thầy có bao giờ nghe sinh viên nói mình khó tính. Thầy vui vẻ: “Trời ơi, nhiều lắm”. Các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp hay viết kỷ yếu (Alumni). Thầy Khánh là một trong những “fan cứng” của Alumni. “Có lần tôi đọc kỹ lắm, tôi không nghĩ là mấy cái câu tôi nói hằng ngày, sinh viên nó lại nhớ rõ mồn một xong lại kể lể lên đây hết. Nó nói tôi nghiêm khắc sao, khó tính sao… Có bạn rớt đồ án mấy lần, tôi bảo cô chán tôi chưa chứ tôi chán cô lắm rồi, cũng vô kỷ yếu luôn. Nhưng giờ ra trường, không nghe lời thầy nói (la) nữa, nhớ ghê”.

 

Khi giảng viên nghiêm khắc với sinh viên mà sinh viên kể lể theo hướng hài hước, theo kiểu cơm ba bữa phải ăn, theo cách mà thiếu thì nhớ lắm thì chắc chắn là sinh viên công nhận chuyện đó là phù hợp. “Áp lực ở trường lớp chẳng là gì so với áp lực ngoài cuộc sống đâu nên là tập đi cho quen. Vì đơn giản, học không phải pass môn mà là để khẳng định mình là ai, mình làm được những gì”.

Kể về câu chuyện với sinh viên của thầy Khánh là câu chuyên “dài đằng đẵng”. Nhưng bên cạnh những kỉ niệm vui thì cũng có những kỉ niệm khiến thầy trăn trở. So với những lứa sinh viên đầu tiên, thầy cho rằng các bạn sinh viên sau này đi học ít có động lực. “Tôi không biết vì sao, vì các bạn học chỉ để điểm cao hay tiền các bạn kiếm dễ lắm nhưng tôi hy vọng các bạn suy nghĩ khác. Mức lương 7-10 triệu là mức lương của nhiều bạn trẻ tốt nghiệp Đại học. Nhưng mức lương đó, nếu bạn làm tạp vụ theo giờ, có thể bạn cũng kiếm được. Do đó, bạn phải học sao cho xứng đáng với sự đầu tư của bạn, đầu tư về thời gian của tuổi trẻ và về tiền bạc của gia đình”. Học Đại học khác với các cấp học khác nên sinh viên cần nhiều động lực để cố gắng học tập và làm việc trong tương lai. 

Với kinh nghiệm giảng dạy khối ngành Công nghệ Thông tin, thầy chia sẻ thêm: “Học ngành này không cần quá thông minh mà cần sự chịu khó nhiều hơn. Mình được về internet, mình được lên youtube thì mình phải biết tận dụng cơ hội để tiếp nhận, học và làm. Có những thứ hôm nay là mới nhưng ngày mai sẽ cũ nên các bạn không được thụ động. Phải nhớ lấy, mình học không phải để pass môn mà là để chứng minh mình là ai”.

HANA

Chia sẻ qua: