[THẦY CÔ TRƯỜNG F] “Bà giáo” nói gì sau hơn 10 năm gắn bó cùng Đại học FPT

Cùng lắng nghe tâm sự trên hành trình “truyền cảm hứng” của “bà giáo” ngôn ngữ - Cô Đỗ Thị Hồng Cẩm - chủ nhiệm bộ môn tiếng Nhật tại đại học FPT - một trong những giảng viên tiếng Nhật kỳ cựu tại trường. Đặc biệt cô còn được rất nhiều sinh viên theo học tiếng Nhật kính trọng và yêu quý. 



Thạc sĩ Đỗ Thị Hồng Cẩm - từng tu nghiệp tại Nhật, chủ nhiệm bộ môn tiếng Nhật tại đại học FPT TP.HCM. 

 

Đến với Đại học FPT là do tình cờ, gắn bó dài lâu vì tình yêu

Nói về cái duyên đến với trường F, cô Cẩm chia sẻ “Sau khoảng thời gian dài hơn 10 năm làm công việc dạy học, vì muốn thay đổi “không khí” và “thay đổi” bản thân, tôi đã xin nghỉ dạy và đi làm ở 1 công ty phần mềm với vai trò là Biên phiên dịch. Tuy nhiên, khi đi làm ở công ty, tôi lại cảm thấy không thích hợp và cảm thấy nhớ “nghề giáo”. Một ngày nọ tôi đọc được tin tuyển dụng giảng viên của trường đại học FPT và tôi xin ứng tuyển với quyết tâm quay lại nghề giáo. Từ cái ngày “tiền định” đó tính đến nay đã gần 12 năm rồi”.

Cô cho biết, thời gian đầu khi dạy ở trường Đại học FPT của cô có rất nhiều bỡ ngỡ, mới lạ, vì là trường công nghệ. Giáo viên giảng dạy ở đây phải sử dụng máy tính, máy chiếu để giảng dạy, làm đề thi online…Vì vậy cô phải thay đổi phương pháp dạy và thay đổi bản thân cho phù hợp với môi trường hiện đại mới. Chính nhờ đó mà cô đã học hỏi được rất nhiều điều mới mẻ, tốt hơn. Theo như lời kể của cô, sinh viên khóa đầu tiên học tiếng Nhật cô giảng dạy là những sinh viên rất ngoan, thái độ và tinh thần học tập rất tốt và rất dễ thương. Với cô, môi trường làm việc ở đại học FPT rất thân thiện, dù là các đồng nghiệp, cộng sự hay sinh viên đều hỗ trợ giúp đỡ cho nhau khi cần. Tất cả những điều đó đã khiến cô có thêm tình yêu với những thứ thuộc về đại học  FPT.

Tình cảm cô trò gắn kết hơn sau kỳ học online

Nhắc về điều đáng nhớ nhất trong khoảng thời gian đã gắn bó với ĐH FPT vừa qua, cô không ngần ngại chia sẻ về kỳ học online. Đó là học kỳ Spring 2020 – thời Covid. Thầy trò tương tác với nhau qua màn hình. Nhưng qua học kỳ học online này mà cô lại cảm thấy thương sinh viên của mình nhiều hơn, các em đã rất cố gắng tham gia học, và cô trò gần gũi với nhau hơn. Có lúc thì: Cô ơi khu con bị cách ly rồi, có lúc thì cô ơi đừng đi đến khu vực này nha, nguy hiểm đó”, “Cô ơi mẹ con bắt con về quê trốn dịch rồi”,... Dù cho học online nhưng các em vẫn rất tích cực phát biểu, vẫn học sôi động. Đó là 1 học kỳ nhiều khó khăn nhưng rồi mọi người đã cùng nhau cố gắng vượt qua.


“Bà giáo” U50 vẫn đam mê truyền lửa đến sinh viên 

Khuyến khích, động viên sinh viên tham gia phát biểu trong giờ học để được cộng điểm. Thay đổi phương pháp dạy cho phù hợp với từng lớp, từng trình độ của sinh viên trong từng lớp. Giúp sinh viên học thuộc từ vựng, văn phạm tại lớp. Cố gắng sao cho sinh viên mới học tiếng Nhật cảm thấy tiếng Nhật là không có khó như “lời đồn”.


Có thể nhiều sinh viên sẽ nhận xét cô Cẩm là một người nghiêm khắc, khó tính nhưng ít sinh viên biết rằng đằng sau đó là một nỗi lòng mà cô hiếm khi tâm sự cùng ai. “Yêu cho roi cho vọt” Cô cố tình nghiêm khắc để các bạn phải làm theo những điều cô chỉ bảo mặc dù các bạn sinh viên có ấm ức nhưng các bạn đều “tuân thủ”. Cô Cẩm luôn hi vọng “Sau này ra trường, ra ngoài xã hội, thành công rồi quay lại trường tìm cô, đứng giữa trường kêu tên cô, rồi nói với cô “chính vì cô la mắng, khó khăn với tôi quá nên tôi đã tức giận lên và cố gắng học, và rồi thành đạt  như ngày hôm nay…”. Đó là niềm hạnh phúc của cô!”

 


Những kinh nghiệm quý giá cô truyền đạt cho sinh viên đó chính là nhờ vào kinh nghiệm cô tích luỹ được


Mục đích cố tình “nghiêm khắc” của cô là thông qua những kinh nghiệm làm việc cùng người Nhật để rèn luyện cho các bạn trường Đại học FPT - những người chọn theo con đường làm việc với người Nhật, làm việc tại công ty Nhật. Nếu không thì sau này đi làm rồi thì rất dễ bị “shock”, bị “stress”  với cách làm việc của người Nhật. 

Giờ học trên lớp nghiêm khắc là thế nhưng ở ngoài khi gặp cô, sinh viên nhớ về cô là một người rất vui vẻ, quan tâm đến việc học và cuộc sống sinh viên. Đồng nghiệp nhận xét cô là một người vui tính, mỗi lần nói chuyện với cô sẽ khiến cho người đối diện cảm thấy lạc quan hơn. 

Học tốt tiếng Nhật có thực sự khó?


Chia sẻ về phương pháp học tiếng Nhật, cô Cẩm không ngần ngại bật mí bí quyết cho các sinh viên trường F. Sau những giờ học trên lớp, trao đổi trực tiếp với giảng viên, thảo luận cùng bạn bè thì ngày nay công nghệ phát triển, ai ai cũng có thể học hỏi qua mạng với nhiều hình thức khác nhau: xem phim, xem tin tức, học trên YouTube. Các bạn sinh viên nên biết tận dụng những nguồn tư liệu để tìm hiểu thêm về tiếng Nhật. 

Với các sinh viên học chuyên ngành khác mà học tiếng Nhật ở Đại học FPT, chỉ cần đi học chuyên cần, trong lớp không làm việc riêng, làm theo cô hướng dẫn, học thuộc từ vựng, văn phạm qua tranh ảnh, tóm tắt tại lớp luôn thì sẽ thấy tiếng Nhật dễ, không khó. Không yêu cầu làm bài tập ở nhà, không giao bài về nhà làm (để dành thời gian ở nhà chạy “Deadline” cho các môn chuyên ngành). Rất đơn giản phải không nè!

Với các sinh viên chuyên ngành Ngôn Ngữ Nhật: cũng tương tự nhưng phải làm thêm bài tập ở nhà, sinh viên phải dành thêm thời gian học hỏi, nghiên cứu thêm qua mạng, sách vở, xem tivi, phim ảnh có liên quan đến tiếng Nhật. Và 1 điều quan trọng là phải đọc, xem nhiều tin tức về nhiều lĩnh vực trong xã hội bằng tiếng Việt để có vốn từ, học cách diễn đạt bằng tiếng Việt. Cô thường nói với các sinh viên của mình: “Các em không phải yếu tiếng Nhật mà là yếu tiếng Việt! Câu cú tiếng Việt gì mà đọc không có đầu có đuôi, dùng từ ngữ thì… bó tay !”.

 



Thông qua đây, cô Cẩm cũng nhắn nhủ đến các sinh viên sắp học tiếng Nhật bằng một câu tục ngữ quen thuộc “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Tiếng Nhật học không khó như “lời đồn”, chỉ cần chúng ta kiên trì và chuyên tâm thì sẽ đạt được kết quả tốt!  

Qua những chia sẻ của cô Cẩm đã phần nào giúp chúng ta hiểu thêm về tấm lòng của “người truyền lửa”. Hi vọng cô sẽ cùng đồng hành với trường đại học FPT thật lâu để truyền thêm ngọn lửa đam mê cho các sinh viên đam mê tiếng Nhật.


 HẰNG LƯU

 

“THẦY CÔ TRƯỜNG F TRONG TÔI” - chuyên mục mới sẽ chính thức được ra mắt trong thời gian sắp tới tại các kênh truyền thông chính thống của trường Đại học FPT. Đây là một trong những hoạt động tôn vinh những người thầy cô đã truyền cảm hứng cho sinh viên trong quá trình học tập cũng như cuộc sống. Chuyên mục sẽ kéo dài đến ngày 20/11, chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

 

 

Tin tức Liên quan