Thành công nhờ lựa chọn môi trường học tập khác biệt

05/07/2019

kenh14 – Trong khi nhiều cử nhân, thạc sĩ còn đang loay hoay tìm kiếm hướng đi sau khi rời giảng đường thì có những sinh viên vừa tốt nghiệp đã được các doanh nghiệp quốc tế tuyển dụng. Đó là “trái ngọt” cho những nỗ lực của một bộ phận giới trẻ dám dấn thân vào môi trường học tập khác biệt để tìm kiếm thành công.

 

Cuối năm thứ ba đại học, Bùi Quang Anh (sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng, ĐH FPT) mạnh dạn ứng tuyển vào Heineken. Kiến thức chuyên ngành tốt, từng làm việc cho 3 công ty trước đó cùng kinh nghiệm “chinh chiến” qua hàng loạt hoạt động phong trào trong trường, đã giúp Quang Anh không quá khó khăn để có được công việc mình yêu thích.

 

Quang Anh là một trong số những sinh viên ĐH FPT sớm đi làm, sớm thành công ở môi trường doanh nghiệp toàn cầu
 

Sau khi tốt nghiệp, 9X này nhanh chóng được quản lý các dự án lớn phát triển thương hiệu, làm việc cùng nhiều đối tác trên toàn thế giới của Heineken. Trong một chia sẻ gần đây, Quang Anh bộc bạch môi trường ở ĐH FPT là nơi cậu được theo đuổi chuyên ngành mình đam mê và thỏa sức tham gia các hoạt động câu lạc bộ phát triển kỹ năng cá nhân để không bỡ ngỡ khi bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp.

 

Ở Đại học FPT, học tập qua trải nghiệm thực tế nhằm phát huy tố chất và năng lực của mỗi sinh viên được đề cao. Với mô hình lớp học 25-30 sinh viên, các bạn có điều kiện tiếp xúc gần gũi với giảng viên, thoải mái trao đổi các vấn đề trong học tập. Tất cả sinh viên ĐH FPT đều có laptop riêng, sử dụng wifi miễn phí ở mọi nơi trong trường, thuận tiện cho quá trình tự nghiên cứu và thực hành sau giờ học. Nhiều sản phẩm công nghệ có giá trị ứng dụng thực tiễn đã được chính sinh viên sáng tạo nên, có thể kể đến như Xe tự hành đạt giải Ba trong Cuộc đua số năm 2017, ứng dụng đi chung xe máy cho người Việt Holabike…

 

Không chỉ tập trung nâng cao kiến thức chuyên ngành, sinh viên ĐH FPT được phát triển “văn võ song toàn” thông qua các chương trình học tập đặc biệt: tháng rèn luyện tập trung, nhạc cụ dân tộc, Vovinam. Ngay từ học kỳ đầu tiên, sinh viên ĐH FPT đã có 1 tháng sống và học tập tại Xuân Hòa như những người lính thực thụ. Ở trường, ngoài các môn chuyên ngành, các bạn cần hoàn thành việc học và sử dụng một trong sáu loại nhạc cụ dân tộc truyền thống và đạt lam đai 3 Vovinam. Những môn học này khiến sinh viên ĐH FPT trở nên “đặc biệt” trong mắt nhiều người, nhất là những nhà tuyển dụng khi thường xuyên thấy một tân cử nhân IT, thiết kế đồ họa hoặc kinh tế lại có thể chơi đàn tỳ bà, thổi sáo điêu luyện hoặc thi triển những đòn thế Vovinam đẹp mắt.

 

 Hơn 60 đối tác đến từ 27 quốc gia trên toàn thế giới hiện đã thiết lập quan hệ với ĐH FPT và thường xuyên gửi sinh viên quốc tế sang Việt Nam cũng như đón nhận sinh viên ĐH FPT đến học tập, làm việc và giao lưu văn hóa. 100% sinh viên ĐH FPT được đăng ký ít nhất 1 học kỳ (4 tháng) được ra nước ngoài để học ngoại ngữ, chuyên ngành hoặc trao đổi văn hóa. Môi trường toàn cầu hóa đó giúp các bạn trẻ được trải nghiệm cuộc sống – nền giáo dục hoàn toàn khác, có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và vốn sống đa dạng. Chương trình “học kỳ nước ngoài” này tác động sâu sắc đến tư duy của sinh viên ĐH FPT, khiến các bạn thay đổi cách nhìn nhận về bản thân và sự nghiệp.

 

 

Nguyễn Hoàng Lâm (sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật, ĐH FPT) từng rất tự tin về vốn tiếng Nhật của mình nhưng sau 1 năm tham gia “học kỳ nước ngoài”, Lâm thấm thía: “Cách đây 1 năm, mình như một cậu bé 10 tuổi ngây ngô học nói. Giờ đây, mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, có vốn từ, vốn sống và trải nghiệm nhất định về Nhật Bản. Không phải cứ ra nước ngoài sống là sẽ giỏi ngôn ngữ ngay. Phải có phương pháp học tập đúng, và đặc biệt là phải bỏ qua tự ái hay sĩ diện để bạn bè sửa lỗi sai giúp mình tiến bộ”.

 

Trong khi nhiều cử nhân, thạc sĩ còn đang loay hoay tìm kiếm hướng đi sau khi rời giảng đường thì nhiều sinh viên đã thành công trên con đường trở thành công dân toàn cầu ngay sau khi tốt nghiệp thậm chí chưa tốt nghiệp nhờ chọn lựa dấn thân vào môi trường học tập khác biệt tại Đại học FPT.

 

Theo kenh14

Chia sẻ qua: