Môi trường Đại học giàu trải nghiệm - Chìa khóa thành công cho sinh viên trong tình trạng thiếu hụt nhân sự ngành IT hiện nay

(Vnexpress.net) - Ngành IT luôn khát nhân sự, song không có nhiều cơ hội cho người năng lực tầm trung, theo anh Trương Đắc Huy Hoàng - chuyên gia từ FPT Software.

 


 

Anh Huy Hoàng làm việc tại FPT Software với nhiều vị trí khác nhau, từ lập trình viên, quản lý dự án đến Giám đốc trung tâm phần mềm chiến lược. Sau hơn 10 năm gắn bó với công nghệ thông tin, anh nhận định, ngành luôn thiếu nhân sự trong 10 năm, thậm chí 30 năm tới.


Thị trường ngày càng khó tính


Anh phân tích thêm, thời điểm trước, chỉ cần làm tốt nghiệp vụ của một developer là nhân sự có thể nhận mức lương cao. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp cần người biết thêm tiếng Anh.


"Cơ hội cho ứng viên năng lực không cao đang hẹp dần. Thị trường thiếu nhưng điều cốt lõi là các bạn có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hay không", anh nói thêm.


Theo báo cáo Thị trường công nghệ thông tin Việt Nam năm 2022, mức lương và thưởng của ngành này tăng lên đáng kể. Với kinh nghiệm dưới hai năm, nhân sự có thể nhận mức lương trước thuế từ 350-565 USD mỗi tháng.


Nếu thăng tiến đến quản lý (management), nhân sự có thể nhận mức lương trước thuế là 1.410 USD (theo định hướng kinh doanh) hoặc 1.610 USD (định hướng kỹ thuật) mỗi tháng. Con số này tăng lên đến gần 3.000 USD với cấp giám đốc, hơn 10 năm kinh nghiệm.

 


 Tuy nhiên, dự đoán từ năm 2022 - 2024, Việt Nam sẽ vẫn thiếu hụt 150.000 - 195.000 lập trình viên, kỹ sư mỗi năm. Lý do được công ty nghiên cứu đưa ra là chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và yêu cầu kinh doanh. Báo cáo này đưa ra, chỉ 35% trong tổng số 57.000 sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của công ty. Khoảng cách dự kiến tiếp tục cao cho đến năm 2024, khi nhu cầu nhân lực đạt mức 800.000, thiếu hụt 195.000.


"Trong quá trình làm việc, hầu hết, chỉ có các bạn tốt nghiệp Trường Đại học FPT có thể vào việc ngay, ít cần đào tạo. Tương tự, về năng lực ngoại ngữ, sinh viên một số trường như Đại học FPT có thể đáp ứng yêu cầu công việc" - Anh Trương Đắc Huy Hoàng - FPT Software.


Chọn đúng trường để trang bị đủ kỹ năng


Nam kỹ sư khẳng định, sinh viên cần trau dồi ba yếu tố: ngôn ngữ phần mềm, kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Với một bạn trẻ mới ra trường, nhà tuyển dụng sẽ chú trọng ba yếu tố này, thay vì đặt nặng kinh nghiệm.


"Để đạt được những điều này, khi học đại học, các bạn nên tìm một ngôn ngữ lập trình thích nhất, rèn luyện thuần thục; học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, Nhật; và liên tục nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình…", anh nhấn mạnh.


Chia sẻ về hành trình thực tế của bản thân nhờ trau dồi từ thời sinh viên, Huy Hoàng cho biết, anh học chuyên ngành Hệ thống thông tin (Information System) tại Trường Đại học FPT để vừa được trang kiến thức chuyên môn, vừa nâng cao năng lực ngoại ngữ. Sau đó, anh bắt đầu làm việc tại FPT Software từ khi còn học năm thứ ba.


Thông thường, sinh viên Trường Đại học FPT có một học kỳ thực tập tại doanh nghiệp. Trong đó, nếu làm việc tại công ty trong Tập đoàn FPT, các bạn sẽ học ở bộ phận đào tạo trong hai tháng. Sau đó, các đơn vị sẽ phỏng vấn trực tiếp và chọn người đủ năng lực để tham gia công việc thực tiễn ngay lập tức.

 


 

Chàng trai sinh năm 1992 bắt đầu từ vị trí thực tập sinh và được tham gia dự án smart TV từ những ngày đầu. Sau hai tháng làm việc, anh thử sức với vai trò trưởng nhóm.


Kết thúc chương trình, thay vì trở lại trường ngay, anh bảo lưu việc học để làm việc 8 tháng, trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Khi hết thời hạn, công ty cũng đề xuất thực tập sinh nhiệt huyết này ký hợp đồng cộng tác viên, vừa học vừa làm.


Theo Huy Hoàng, việc Trường Đại học FPT cho sinh viên thực tập tại doanh nghiệp từ năm ba tạo ra khá nhiều lợi thế. Khi ra trường, các bạn đã có kinh nghiệm làm việc thực tế, từ đó, tăng khả năng trúng tuyển vào doanh nghiệp công nghệ.

 


Với hành trang từ thời sinh viên, khi ra trường, anh quay lại FPT Software với vị trí Full-stack Developer và tham gia vào nhóm Phát triển kinh doanh (Business Development). Lúc này, bên cạnh các công việc chuyên môn, Huy Hoàng đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ khác như đấu thầu dự án, tiếp cận khách hàng mới, làm báo giá… Nhờ biết nắm bắt cơ hội, nam kỹ sư dần thăng tiến và trở thành Giám đốc trung tâm phần mềm chiến lược khi mới 24 tuổi.


Như vậy, để mở rộng lộ trình sự nghiệp, nhân sự IT cần áp dụng nhiều kiến thức liên ngành và bộ kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình, quản trị nhân lực… Anh Hoàng chia sẻ, những điều này cần được tích lũy từ thời sinh viên để có xuất phát điểm cao hơn so với mặt bằng chung.


Khi học đại học, anh trau dồi các kỹ năng này thông qua tất cả các môn học. Giảng viên tại đây thường xuyên yêu cầu học sinh thuyết trình để rèn sự tự tin và tư duy logic, truyền đạt cho đám đông. Bên cạnh đó, Trường Đại học FPT có đào tạo riêng môn học Quản lý dự án. Nhờ vậy, anh đã biết cách giao tiếp, quản trị nhân sự, thuyết phục đối tác… hiệu quả.


"Đây là cơ hội rất tốt để các bạn rèn luyện, thể hiện bản thân khi còn trong môi trường học thuật. Khi bước vào doanh nghiệp, sự bỡ ngỡ có thể khiến các bạn lùi lại so với các ứng viên khác", anh nói thêm.

 


Tự học là năng lực cốt lõi để phát triển bền vững


Cựu sinh viên Trường Đại học FPT nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng tự học để tăng thời gian rèn luyện, liên tục cập nhật, tiếp cận công nghệ mới. Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, nếu không bắt nhịp đủ nhanh, nhân sự sẽ dễ dàng bị đào thải.


Anh cho biết, giảng viên tại Trường Đại học FPT đều có kinh nghiệm "thực chiến", do đó, kiến thức, kinh nghiệm sát với yêu cầu tại các doanh nghiệp, thay vì đơn thuần lý thuyết suông.


"Nhiều thầy cô đang làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp nên theo xu hướng kịp thời, kiến thức không bị lỗi thời. Với bước đệm này, tôi kết hợp với kỹ năng tự học để nâng cao trình độ hiệu quả", anh chia sẻ.


Với lợi thế này, anh cũng như nhiều bạn học khác tận dụng triệt để, kết hợp với khả năng tự học, mở rộng thêm kiến thức, kinh nghiệm từ những bài toán thực tiễn.

 


 

Bên cạnh đó, nam kỹ sư sinh năm 1992 trau dồi kỹ năng tự học thông qua nhiều nguồn lực khác từ trường đại học. Ngoài giảng viên, môi trường giáo dục kết hợp doanh nghiệp tại trường đã giúp Hoàng mở rộng mối quan hệ (network) trong ngành và tìm được "mentor" (cố vấn) là đàn anh khoá trên tại trường.


Người "mentor" này có ảnh hưởng rất lớn đến lộ trình sự nghiệp, thăng tiến của anh. Với mỗi vị trí công việc, anh sẽ tới gặp đàn anh để nhận tư vấn. "Trong mỗi nấc của sự nghiệp, tôi sẽ xem mình còn thiếu gì và hỏi mentor để biết bản thân cần làm gì để 'lấp đầy" phần còn thiếu", anh kể lại.


Ngoài ra, theo Huy Hoàng sự tâm huyết, trách nhiệm và kiên định với nghề là điều không thể thiếu khi muốn làm việc, thăng tiến trong ngành công nghệ thông tin. Do đó, các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ lưỡng và kiên định với ngành mình học.


Từng đứng đầu lớp chuyên Tin tại Trường THPT Chuyên Thăng Long (Đà Lạt), Huy Hoàng nhận được học bổng từ Trường Đại học FPT. Tuy nhiên, gia đình còn ngần ngại vì chưa biết nhiều về trường.


Với niềm đam mê tin học, anh tự tìm hiểu và nhận thấy lợi thế từ trường và hệ sinh thái của Tập đoàn FPT. Từ đó, anh kiên định với sự lựa chọn của mình. Với xuất phát điểm là một sinh viên Trường Đại học FPT, anh đã bồi đắp nền tảng vững chắc để từng bước tạo nên nhiều thành tích sau này.

 

Tin tức Liên quan