Luôn SAY YES BEFORE KNOWING HOW, chàng sinh viên ĐH FPT đã có thời tuổi trẻ ấn tượng

05/07/2019

Đó là chia sẻ tại Lễ tốt nghiệp cũng là “kim chỉ nam” trong cuộc sống của Lại Trung Minh Đức – chàng sinh viên ĐH FPT được mọi người gọi với cái tên “Giáo sư”, là đại diện duy nhất của Việt Nam được Microsoft chọn tham gia Imagine Cup và là sinh viên hoạt đông phong trào nổi bật. 

 

Vừa qua, lễ tốt nghiệp của gần 200 sinh viên trường ĐH FPT đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Quân đội. Đại diện các bạn sinh viên, Lại Trung Minh Đức đã có những tâm sự về hành trình 4 năm “thanh xuân” ở giảng đường Đại học FPT.

 

“Mình là Lại Trung Minh Đức – SV khóa 11A – ngành An toàn Thông tin – trường ĐH FPT. 

 

Đức xin phép được đại diện các bạn sinh viên đang chuẩn bị trở thành tân khoa, nói lên lời tri ân chân thành đến ban giám hiệu nhà trường, quý thầy cô giảng dạy làm việc tại ĐH FPT và quý phụ huynh. Nếu không có tình yêu thương, dưỡng dục của gia đình, tri thức và tình cảm mến từ thầy cô bộ môn, thầy cô quản lý, và sự hỗ trợ và quản lý từ tập thể nhà trường, các anh chị hỗ trợ sinh viên, và những cô chú trong đội bảo vệ, đội vệ sinh), có lẽ, chúng em không thể có ngày được ngồi ở đây như thế này.

 

Thấm thoát, đã hơn 3 năm kể từ ngày Đức quyết định rời ngành Kinh tế Đối ngoại, rời ĐH Ngoại Thương để trở thành một sinh viên kỹ thuật tại ĐH FPT. Dù nhiều bạn hay gọi Đức là “con nhà người ta”, nhưng nhìn lại, như phần lớn sinh viên ĐH FPT, Đức cũng có những trải nghiệm khá độc đáo tại trường.

 

Đức đã từng nơm nớp lo lắng bị “CẤM THI” vì đi học trễ, hay nghỉ học đi hội thảo.

 
Đức đã từng thử “TRỐN THI” để “THI LẠI” khi lịch thi trùng vào lịch công tác của Đức tại Hà Nội.

 

Đức đã từng hồi hộp, căng thẳng lúc chờ điểm thi từ hệ thống, và vỡ òa hạnh phúc khi thấy được chữ “PASS” hiện lên, nhất là những môn cần trí nhớ siêu phàm như Triết học, Tư tưởng hay Đường lối.

 

Mà nhắc tới vụ “TRỄ”, Đức cũng đã từng xém “TRỄ THI” (mà còn là “THI LẠI” nữa), khi tỉnh dậy vào lúc 7h sáng tại NHÀ BÈ và thi vào lúc 8h30 tại QUẬN 12, nếu không nhờ bác tài lái lụa thì Đức “HỌC LẠI” môn đó rồi.

 
Nhìn lại, Đức thấy, đó là những kỷ niệm mà một sinh viên nên có, để sau này khi bạn bè gặp lại nhau, hay lập gia đình, hay có con có cái, còn kể cho nhau nghe về một thời hoành tráng như vậy.

Chia sẻ về quá khứ một chút…

Hôm nay, Đức muốn nói về những suy nghĩ của Đức, như lời chia sẻ đến với các bạn biết Đức và chưa biết Đức, và như lời động viên đến các em khóa tới. Đức muốn khai triển về tư tưởng “SAY YES BEFORE KNOWING HOW”, tư tưởng đã đi cùng Đức từ ngày mới vào trường (Tạm dịch: Hãy nói đồng ý, trước khi biết sẽ làm nó ra sao).

 

Photo ĐHFPT Tp.HCMLaiTrungMinhDuc4

Đức được khai sáng về tư tưởng này vào năm 2015, khi còn là sinh viên Ngoại Thương, trong một lần đi hội thảo về “NỮ GIỚI TRONG NGÀNH CÔNG NGHỆ” (Microsoft TechFemme). Thoạt nghe thì thấy đây là loại tư tưởng cực đoan, liều lĩnh, không rõ ràng, chill chill, làm theo là chỉ có chết, ôm nợ, ôm phiền phức vào người… nhưng hãy khoan kết luận, hãy để Đức phân tích về nó một chút.

“SAY YES BEFORE KNOWING HOW”

 

Khi Đức còn là một học sinh bị nhiều người đánh giá là khá kém ở lớp 12 (hạng 49/50 – ĐTB tầm 6.5), Đức vẫn mơ mình sẽ thi vào Ngoại Thương và Bách Khoa. Cuộc đời hỏi Đức: “Chú có dám không? Và dám thì chú sẽ thế nào?”. Đức cũng ngần ngại, vì mình học không tốt, không bằng bạn bằng bè. Dám mơ Ngoại Thương, cả Bách Khoa nữa, toàn trường TOP. Rớt là nhục mặt.

 

Nhưng Đức đã SAY YES với cuộc đời, chấp nhận nguy cơ bị nhục, chấp nhận ngày ngày bị người ta dè xéo “Ngu mà tỏ ra nguy hiểm”, và từ đó, Đức tìm ra cách học hành nghiêm túc, và tràn trề động lực để đạt được điều mình muốn. Và kết quả cũng đẹp không kém, Đức đậu 2 trường và Đức đã chọn Ngoại Thương – ngành Kinh tế đối ngoại. Và rồi, sau đó, Đức quyết định chọn ĐH FPT là bến đỗ “thanh xuân”, bước đệm cho tương lai.

 

Khi Đức làm việc tại Savills, sếp Đức đã hỏi: “Em có nghĩ mình làm được vấn đề này không?”. Đó là vấn đề liên quan đến kiến trúc phần mềm, quản trị source code, quản trị nhân lực. Đức học ngành An toàn Thông tin, không phải Software Engineer, Đức đâu có được học về quy trình làm phần mềm hay gì… Nói trắng ra là Đức không biết một cách đầy đủ và chính quy. Nhưng Đức đã nói sếp: “Cho em 1 ngày, em sẽ trả lời anh vào sáng mai”. Trong 1 ngày đó, Đức đã research, hỏi thăm những anh em kỹ sư phần mềm, và Đức đọc sách về kiến trúc Microservice của Microsoft trên Azure. Và kết quả sau đó, sếp Đức đã đồng ý về giải pháp Đức đưa ra, Đức được promote và quản lý dự án đó.

 

Photo ĐHFPT Tp.HCM Lễ tốt nghiệp14

Trên Đức kể, là 2 ví dụ trong số hàng ngàn tình huống mà Đức đã SAY YES BEFORE KNOWING HOW. Một số mang lại thành tựu lớn, một số không mang lại kết quả gì (ngoài thêm kiến thức và kinh nghiệm). Nhưng cái chính yếu ở đây: là khi Đức đã SAY YES, vì trách nhiệm và sự tin tưởng, Đức sẽ làm cho tới cùng. SAY YES tạo cho bản thân động lực vô cùng lớn, để đưa bạn đi đến đúng nơi bạn cần phải đến. 

 

Đức chắc chắn rằng chúng ta đều trải qua tình huống: Chúng ta chỉ có thể tập trung học bài khi ngày thi cận kề 1-2 ngày chứ ít ai có thể học và ôn xuyên suốt khóa học. Chúng ta sợ rớt môn, chúng ta sợ đóng tiền, chúng ta có ÁP LỰC và ÁP LỰC đó trở thành ĐỘNG LỰC của ta. Đức gọi đó là SAY YES bị động, chúng ta buộc phải như thế.

 

Còn cái Đức chia sẻ, là chúng ta nên SAY YES chủ động, nói vui là: CHỦ ĐỘNG RƯỚC VẤN ĐỀ VÀO THÂN, CHỦ ĐỘNG ĐƯA MÌNH VÀO TRẠNG THÁI MẤT ỔN ĐỊNH để có thể học được nhiều hơn, trải nghiệm hơn, và làm những điều mình chưa bao giờ làm. Tất nhiên là phải liên quan tới học tập và tạo ra lợi ích rồi.

 

Cơ hội và Thành công được chia đều cho mỗi người chúng ta. Dân gian đã có câu “Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời”, mà chờ tới 3 đời như dân gian nói thì khó quá. Là sinh viên công nghệ hay kinh tế, là đồ họa hay ngôn ngữ, chúng ta đều có thể SAY YES mỗi ngày. Đó có thể là vấn đề của công ty mà bạn đang thấy, là vấn đề của chính bạn, hay của bạn thân, của người yêu bạn. SAY YES TO SOLVE it, bạn sẽ thấy mình có động lực để tìm hiểu và học hỏi thêm rất nhiều. Và từ đó, thành công sẽ đến, cho những ai cố gắng và kiên trì.

 

Đức xin kết lại phần chia sẻ này bằng 2 tư tưởng mà Đức chọn để đi theo trong 3 năm tới:

 
+ “Building relationship, creating values” (tạm dịch: Xây dựng quan hệ, tạo lập giá trị) – của tập đoàn PwC – tập đoàn kiểm toán tốt nhất thế giới.

 
+ “Empower every person in every organization to achieve more” (tạm dịch: Trao quyền cho mỗi con người ở mỗi tổ chức để đạt được nhiều hơn) – tập đoàn Microsoft”.

MINH ĐỨC

Chia sẻ qua: