Lần đầu tiên, sinh viên Đại học FPT bảo vệ đề tài tốt nghiệp ở nước ngoài

Học kỳ Fall 2018, 12 sinh viên K11 ngành Kỹ thuật phần mềm Đại học FPT đã lên đường sang Brunei, vừa để học chuyên ngành, vừa OJT và dùng chính dự án khi đi OJT để bảo vệ đề tài tốt nghiệp ở nước ngoài. Chất lượng đào tạo CNTT của Đại học FPT lại có thêm một điểm sáng khi sinh viên được tham gia những dự án thực tế quan trọng và được ghi nhận bởi hội đồng trường Đại học Darussalam Brunei.

 

Trong học kỳ nước ngoài lần này, sinh viên được học 1-2 môn chuyên ngành trước khi bắt tay vào tham gia thực hiện dự án cùng doanh nghiệp. Trong tổng thời gian 16 tuần ở lại vương quốc này, sinh viên có 9 tuần vừa xây dựng vừa hoàn thành dự án và trình bày trước hội đồng.

 

12 sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm được chia thành 4 nhóm với 4 đề tài khác nhau. Trong quá trình thực hiện đề tài có sự tham gia của sinh viên Brunei, với sự cố vấn hỗ trợ của doanh nghiệp và giảng viên từ Đại học FPT sang đồng hành cùng sinh viên. Các đề tài sinh viên nhận được đều ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề thiết thực theo yêu cầu doanh nghiệp, nhà trường Đại học Darussalam Brunei và các cơ quan nhà nước.

 

Nhóm các sinh viên Ngô Thục Thiên Bình, Hoàng Nhựt Vũ, Phạm Thị Xuân Hạ cùng các sinh viên Mohammad Firdaus Bin Haji Jais, Awang Muhammad Wafi Nur Arif Bin, Awang Haji Shamdi đảm nhận nhiệm vụ thực hiện ứng dụng thông báo khẩn cấp cho các sinh viên trao đổi tại Đại học Darussalam Brunei. Thông qua ứng dụng này, giáo viên phụ trách nhóm sinh viên có thể nhanh chóng gửi thông báo đến các thành viên và biết được sinh viên đã đọc, phản hồi hay chưa một cách nhanh chóng. Thông báo khẩn cấp có thể là các tin báo về thiên tai hoặc các thông báo quan trọng.

 

Nhóm các sinh viên Tôn Thất Bảo, Nguyễn Trung Tín, Aidee Suherman Suhaili, Masdey Haji Masri, Awang Haji, Muhammad Anas Bin Awang Haji Nawawi đã viết một hệ thống quản lý hàng hóa trong kho theo yêu cầu của Bộ Quốc Phòng Brunei. Hệ thống bao gồm một phiên bản web là hệ thống chính và một ứng dụng di động tích hợp QR Code để theo dõi hiệu quả các hàng hóa còn tồn kho.

 

Giao diện phiên bản PC của cổng thông tin điện tử dành cho nhà đầu tư và các Start-up

(https://startupportal.azurewebsites.net).

 

Nhóm các sinh viên Lê Ngô Thúy Hằng, Nguyễn Phước Vĩnh Lộc, Bùi Công Nam, Nguyễn Hải Yến theo yêu cầu của công ty Think-Axis đã xây dựng cổng thông tin làm cầu nối giữa các công ty khởi nghiệp và các nhà đầu tư tại Brunei từ yêu cầu của Chính phủ. Đề tài ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt Face API của Microsoft Azure, công nghệ SignalR của Microsoft, giúp startup và investor có thể chat (trò chuyện trực tuyến) với nhau, có thể nhận thông báo từ hệ thống ngay lập tức (real-time).

 

Theo đặt hàng của công ty Track&Roll, các sinh viên viên Nguyễn Việt Thắng, Nguyễn Học Huy, Trần Đăng Hùng đã thực hiện một ứng dụng di động để thay thế các hình thức thủ công khi điểm danh, xin nghỉ làm hoặc ghi nhận phản hồi từ nhân viên nhằm tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả của quy trình làm việc trong tổ chức.

 

Trước buổi bảo vệ, các nhóm sinh viên cũng đã có buổi giới thiệu dự án đến với gần 100 người quan tâm công nghệ tại Brunei. Sau khi hoàn thành học kỳ nước ngoài với đề tài được công nhận là đề tài tốt nghiệp, một nửa số thành viên đã nhận được lời mời làm việc sau khi hoàn thành các môn học còn lại tại Việt Nam. Trong đó có sinh viên Nguyễn Học Huy hiện đang làm việc từ xa với mức lương 200BND/tháng.

 

Một chuyến đi thực tập không chỉ đem lại những kiến thức mới, trải nghiệm một môi trường công nghệ, môi trường làm việc tại đất nước phát triển, mà chính sự ghi nhận của doanh nghiệp nước ngoài cũng phần nào thể hiện chất lượng đào tạo của trường đại học vừa được công nhận là đơn vị đào tạo Công nghệ thông tin xuất sắc Châu Á (ASOCIO 2018).

 

VY HB NGUYỄN 

Tin tức Liên quan