Kỹ sư CNTT trong làn sóng tuyển dụng từ Nhật Bản

Trong thời gian gần đây, nhiều công ty công nghệ Nhật Bản liên tục tuyển dụng nhân sự từ Việt Nam, tạo ra cơ hội cho các bạn trẻ muốn làm việc và sinh sống tại đất nước hoa anh đào.

 

Trường đại học FPT vào tháng 8 vừa qua đã tổ chức buổi trao đổi giữa những người đại diện Framgia, một doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, phát triển phần mềm ứng dụng, và 26 sinh viên ngành ngôn ngữ Nhật để tìm ứng cử viên đi thực tập tại các công ty đối tác. Không chỉ Framgia, nhiều công ty công nghệ Nhật Bản đang tham gia cuộc đua tuyển dụng nhân sự từ thị trường Việt Nam.

 

Nhiều cơ hội, nhiều ước mơ

 

Theo lời bà Vũ Thị Thu Hằng, Trưởng nhóm tư vấn tài năng công ty Framgia, 26 sinh viên ngôn ngữ Nhật từ Đại học FPT sẽ thực tập tại ba công ty đối tác là Sublime, Karakami và Moopon ở Nhật Bản.

 

Bùi Nhật Thủy, một trong 26 ứng cử viên kể trên, cho biết cô theo học chuyên ngành ngôn ngữ nên công việc lễ tân phù hợp với khả năng của bản thân. Trong khi đó, sinh viên năm thứ 3 Nguyễn Nhàn kể rằng Nhật Bản là đất nước mà cô mơ ước được đến làm việc từ lâu. “Tôi sẽ cố gắng làm việc thật tốt và tích cực trải nghiệm trong suốt một năm tại đất nước này”, Nhàn nói.

 

Học cùng Nhàn, Nguyễn Thình Quỳnh Na, tiết lộ lý do chọn xứ sở mặt trời mọc làm nơi thực tập là niềm mong mỏi có được một môi trường tốt giúp cô rèn luyện khả năng học tập, giao tiếp và nâng vốn từ vựng. Ngoài ra, phía Nhật Bản cũng tạo điều kiện tốt cho sinh viên FPT như cung cấp sinh hoạt phí, nơi ăn nghỉ, vé máy bay khi qua đó thực tập.

 

Bà Hằng cho hay, trong thời gian thực tập tại Nhật Bản, các doanh nghiệp đối tác của Framgia sẽ luôn giúp đỡ và đào tạo, hướng dẫn cho các thực tập sinh những kỹ năng cũng như những điều cần thiết khi làm việc với người Nhật. “Bất kỳ điều gì khó khăn ở bên Nhật các thực tập sinh đều có thể chia sẻ”, bà Hằng nói.

 

Trong một năm tới, Quỳnh Na mong muốn làm quen được với văn hóa, lối sống, công nghệ tiên tiến tại đây. Sau khi kết thúc chuyến thực tập, cô quyết định quay trở lại trường tiếp tục công việc học tập. “Nếu có cơ hội quay trở lại Nhật Bản, tôi cũng muốn đi, gắn bó lâu dài tại đó”, cô nói.

 

Khác với những ứng cử viên kể trên, Nguyễn Thị Linh Chi từng trải nghiệm cuộc sống tại Nhật Bản trong sáu tháng, và cô muốn quay trở lại đây để trau dồi thêm nhiều vốn kiến thức, từ vựng. “Tôi sẽ nỗ lực hoàn thành công việc theo khả năng của mình. Trong quãng thời gian thực tập, tôi muốn được trải nghiệm nhiều hơn về văn hóa, phong tục, ẩm thực, địa danh nơi đây”, Linh Chi bộc bạch.

 

Để có thể trở thành thực tập sinh trong chương trình của Framgia, 26 sinh viên ngành ngôn ngữ Nhật của Đại học FPT đã phải trải qua vòng xét chọn hồ sơ và vòng phỏng vấn của các công ty. Tất cả đều kỳ vọng đây sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp và giúp họ vững tâm trên con đường đến đất nước hoa anh đào của mình.

 

Trong thời gian gần đây, sự tăng cường hợp tác giữa các công ty Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT, đã thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng nhân sự Việt Nam sang Nhật Bản du học và làm việc.

 

Sau khi tốt nghiệp, nhiều bạn trẻ Việt Nam quyết định ở lại Nhật Bản lập nghiệp và trong hành trình khởi nghiệp của mình, họ cho rằng sự phát triển trong quan hệ Việt-Nhật đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, giao thương của doanh nghiệp hai nước.

 

NAL Japan là một trong những doanh nghiệp CNTT của người Việt tại Nhật Bản. Giám đốc NAL Japan Nguyễn Tuấn Anh sang Nhật Bản du học vào năm 2002. Ấp ủ mục tiêu thành lập công ty riêng ngay từ khi mới ra trường, Tuấn Anh làm việc cho hai công ty CNTT Nhật để tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết. Trong bốn năm rưỡi tại công ty đầu tiên, Tuấn Anh tận dụng cơ hội để học hỏi, trải nghiệm từng vị trí từ kỹ sư đến quản lý. Chuyển sang công ty thứ 2, anh tham gia ngay từ giai đoạn đầu thành lập công ty và lên ý tưởng sản phẩm.

 

Vừa xây dựng và quản lý bộ phận kỹ thuật, vừa thiết kế và phát triển sản phẩm, anh có cơ hội thực hành phát triển một lĩnh vực kinh doanh, thành lập một doanh nghiệp. Đến năm 2013, Tuấn Anh cùng bạn thành lập công ty NAL Việt Nam và thành lập công ty NAL Japan vào cuối năm 2014.

 

Thời điểm Tuấn Anh thành lập công ty cũng chính là lúc mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản khởi sắc mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT. Nhà khởi nghiệp trẻ tuổi này kỳ vọng rằng song song với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản, cuộc chuyển hướng dần dần của các công ty Nhật từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ góp phần làm gia tăng nhu cầu của Nhật Bản đối với Việt Nam trong lĩnh vực CNTT. Và khi nhu cầu càng tăng cao, bài toán về nhân sự chất lượng cao để phục vụ các yêu cầu của khách hàng Nhật Bản càng trở nên cấp thiết. Sau bốn năm thành lập, nhóm công ty NAL của Tuấn Anh đã phát triển thành sáu công ty thành viên, có văn phòng tại hai thành phố lớn ở Nhật Bản là Tokyo, Nagoya và ba thành phố lớn tại Việt Nam gồm Hà Nội, Đà Nẵng và Huế.

 

Với mong muốn kết nối và hỗ trợ người Việt tại Nhật Bản, xây dựng một cộng đồng người Việt năng động, có trình độ, có uy tín, đoàn kết tương thân tương ái, ba bạn trẻ Trần Thanh Thủy, Lê Viết Gia Khánh và Tạ Việt Phương thành lập Vietnamese Professionals in Japan (VPJ). VPJ chủ trương tạo diễn đàn, sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ người Việt tại Nhật Bản giao lưu, trao đổi về công việc và phát triển sự nghiệp.

 

Career Sharing, diễn đàn chia sẻ về sự nghiệp, là sự kiện do VPJ tổ chức định kỳ, mời những gương mặt được đánh giá là thành công đến chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội phát triển sự nghiệp cho cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Sau hai năm tổ chức, sự kiện này đã nhận được sự hưởng ứng và phản hồi tích cực từ cộng đồng những người Việt Nam đang làm việc ở đất nước mặt trời mọc. Không chỉ như vậy, VPJ còn nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO).

 

Theo các thành viên sáng lập VPJ, khi quan hệ song phương Việt-Nhật phát triển mạnh mẽ, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng lớn mạnh, xấp xỉ gần 300.000 người. Đây là những điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp Việt tại Nhật Bản. Bởi, chỉ riêng việc phát triển các dịch vụ, sản phẩm dành cho người Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã có một thị trường khá lớn.

 

Đón làn sóng tuyển dụng mạnh mẽ

 

Trong bối cảnh Nhật Bản đang thiếu người lao động, Chính phủ nước này đang có những chính sách hỗ trợ người nước ngoài khởi nghiệp và làm việc tại đây.

 

Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của Nhật Bản. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nền kinh tế này đang phải đối mặt với tình trạng mất cân đối cung-cầu về lực lượng lao động trong các lĩnh vực về khoa học-công nghệ. Một trong những giải pháp được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đưa ra là đẩy mạnh thu hút nhân tài trong lĩnh vực CNTT ở nước ngoài.

 

METI, trong cuộc nghiên cứu vào tháng 6-2016, ước tính số lượng người lao động trong lĩnh vực CNTT ở nước này tại thời điểm đó là khoảng 919.000 người, thiếu 171.000 người so với nhu cầu. Cơ quan này dự báo nguồn cung lao động trong ngành công nghệ có thể giảm mạnh trong năm 2019. Hậu quả là đến năm 2020, Nhật Bản có thể sẽ thiếu 369.000 kỹ sư công nghệ thông tin, con số này có thể sẽ tăng lên mức 789.000 vào năm 2030.

 

Tình trạng thiếu hụt kỹ sư CNTT ở Nhật Bản đã dẫn tới sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp nhằm giành giật nguồn lực khan hiếm này. Cuộc chiến này không chỉ giới hạn trong phạm vi giữa các công ty CNTT mà còn lan rộng sang các lĩnh vực khác có sử dụng nguồn nhân công có làm lượng chất xám cao. Chính sách tăng cường tuyển dụng các kỹ sư công nghệ nước ngoài mà METI đề xuất, được giới chuyên gia cho rằng sẽ trở thành cơ hội lớn cho Việt Nam, nơi có khoảng 55.000 kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin tại các trường đại học, cao đẳng mỗi năm.

 

Phát biểu tại Ngày Công nghệ Thông tin Việt Nam 2018 (Vietnam IT Job Fair 2018) ở Nhật Bản, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến, tự tin rằng với lực lượng lao động có tay nghề cao, nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển nhanh, Việt Nam chính là lời giải cho bài toán nhân lực CNTT của Nhật Bản. Ông dẫn chứng các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy Việt Nam hiện có 20.000 nhân lực đang phục vụ thị trường Nhật Bản trong lĩnh vực gia công phần mềm (ITO) và gia công quy trình doanh nghiệp (BPO).

 

Chỉ riêng FPT Software hiện có khoảng 1.000 nhân sự làm việc tại năm văn phòng ở Nhật Bản và khoảng 5.000 nhân sự tại Việt Nam đang thực hiện các dự án cho khách hàng Nhật Bản. Năm 2017, doanh thu của FPT Software tại thị trường này là 3.599 tỉ đồng, chiếm 58% tổng doanh thu của FPT Software và tăng trưởng 26% so với năm 2016. Trong năm 2018 này, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng khối lượng công việc từ khách hàng Nhật Bản, FPT Software tuyển khoảng hơn 2.000 nhân sự riêng cho thị trường này.

 

Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam là đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản về gia công phần mềm và dịch vụ. Hiện đã có trên 10 doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam đầu tư mở công ty hoặcchi nhánh tại Nhật Bản. Không chỉ tìm cách thu hút nhân tài từ các nước khác, trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đã “bắt tay” với các trường đại học ở các nước láng giềng trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cung cấp cho thị trường Nhật Bản. Tại Việt Nam, Framgia đã thành lập công ty con vào tháng 10-2012, với đội ngũ hơn 900 kỹ sư trẻ tới từ nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Bangladesh, Campuchia, Nigeria, Kazakhstan, Nga và Việt Nam.

 

Kể từ năm 2014 đến nay, Framgia đã triển khai chương trình hợp tác với ba trường đại học hàng đầu về CNTT của Việt Nam là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, để giảng dạy và hỗ trợ sinh viên ra trường tìm kiếm việc làm tại Nhật Bản. Tham gia chương trình này, các sinh viên đều có trình độ tiếng Nhật từ N3 trở lên và có nguyện vọng làm việc cho các công ty Nhật Bản. Mỗi sinh viên sẽ có hai buổi học mỗi tuần với toàn bộ giáo án và bài giảng đều bằng tiếng Nhật. Phần lớn giảng viên tham gia chương trình là các kỹ sư công nghệ thông tin người Nhật có nhiều năm kinh nghiệm.

 

Theo Framgia, đến nay, có gần 800 sinh viên đã được đào tạo theo chương trình này. Framgia mong muốn phối hợp với ba trường đại học trên để đạt được con số 1.000 sinh viên, tương ứng 1.000 kỹ sư CNTT tương lai.

 

Cùng với chương trình đào tạo trên, Framgia cũng phối hợp với các trường đại học để tổ chức các ngày hội việc làm cho sinh viên công nghệ thông tin. Sau khi được tuyển chọn, các sinh viên này sẽ tiếp tục quá trình học tập tại trường đại học từ một năm rưỡi đến hai năm nhằm chuẩn bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng trước khi sang Nhật Bản làm việc.

 

Theo các chuyên gia, việc tham gia đào tạo và tuyển chọn các kỹ sư công nghệ thông tin ở nước ngoài là một cách làm bài bản của các doanh nghiệp Nhật Bản. Điều này sẽ không những giúp giải quyết vấn đề nhân lực cấp bách mà còn góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế này trong dài hạn.

 

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tin tức Liên quan