Hành trình một năm trên Xứ sở hoa Anh Đào: Được và mất

Tính đi tính lại thì cũng đã gần 1 năm từ ngày Cảnh lên chuyến bay sang Nhật tham gia chương trình “Học tiếng Nhật tại Nhật Bản” của trường. Thoáng cái đã gần tới lúc về nước rồi. Có lẽ là vì cuộc sống bận rộn, chẳng có nhiều thời gian mà để ý. Dạo gần đây, vì chuẩn bị giấy tờ cũng như hành trang trở về mà Cảnh có thời gian nhìn lại hành trình 1 năm qua của mình.

 



Nhớ tới thời điểm Cảnh quyết định sang Nhật thì đó có lẽ là quyết định khó khăn nhất đời sinh viên của Cảnh. Lựa chọn giữa lời đề nghị ở lại Việt Nam để làm part-time trong một công ty IT với mức lương khá và sang Nhật thử thách bản thân với một môi trường hoàn toàn khác xa Việt Nam. Nhiều bạn bè cũng như gia đình đã tiếc thay cho Cảnh. “Sao không ở Việt Nam mà làm? Mấy khi có cơ hội tốt vậy mà…”, “Sao không chấp nhận lời đề nghị của công ty đi?”. Cảnh đã nghĩ, tất cả cũng chỉ là hai chữ: “CƠ HỘI”, và tới bây giờ Cảnh nghĩ mình chẳng mất gì mà lại còn được nhiều hơn.

 


Trước tiên thì sang Nhật 1 năm quả nhiên là thử thách không hề nhỏ. Cảnh đã được thử cảm giác tự nấu ăn hàng ngày, tự quản lý chi tiêu hàng tháng, tự điều chỉnh hành vi cũng như lối sống của bản thân. Với mong muốn cầu tiến, Cảnh thấy không chỉ về mặt tinh thần, mà cả về thế giới quan của Cảnh cũng đã thay đổi rất nhiều.
Cơ hội tiếp xúc với nền văn hóa đa quốc gia, đa sắc tộc. 

Shinshu University là một ngôi trường với một lượng sinh viên nước ngoài không nhỏ. Mọi người từ khắp các châu lục (châu Âu, châu Mỹ, châu Úc…) đã cùng nhau nói một thứ tiếng chung: tiếng Nhật. Đọc tới đây chắc nhiều bạn rất ngạc nhiên nhưng các bạn không đọc nhầm đâu: tiếng Nhật. Cảnh thực sự bất ngờ với khả năng học cũng giao tiếp bằng tiếng Nhật của các bạn du học sinh ở Shinshu. Phát âm cực chuẩn, giao tiếp một cách tự nhiên gần như người Nhật, ngoài ra còn khả năng đọc hiểu cũng như hán tự tuyệt vời. Điều này là động lực rất lớn cho Cảnh trong thời gian theo học tại đây.


Ngoài những giờ học trên lớp thú vị cùng các cô giáo thì sẽ có vô vàn các hoạt động ngoại khóa cho mọi người lựa chọn. Cảnh đã tham gia một lớp học nghiên cứu về nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới và điểm đặc biệt đó là 80% sinh viên trong lớp là các sinh viên người Nhật. Quả là cơ hội cũng như thử thách đối với Cảnh. Cảnh đã cùng các bạn trong nhóm nghiên cứu về vấn đề đa văn hóa ở Malaysia, vấn đề chiến tranh ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi… Ngoài ra, Cảnh cũng đã tham gia các hoạt động khác như làm phim ngắn cùng bạn bè người Nhật. Vừa vui lại còn là cơ hội để trau dồi nhiều hơn tiếng Nhật.



Đã từ lâu, Cảnh luôn nung nấu ước mơ sẽ tạo thật nhiều cơ hội để các bạn sinh viên Việt Nam có thể ra nước ngoài học tập, mở mang kiến thức. Vì vậy, đối với riêng bản thân Cảnh thì quãng thời gian 1 năm qua thật khó mà có được. Cảnh được tiếp xúc với tác phong tiếp đón sinh viên chuyên nghiệp của cán bộ, giảng viên Đại học Shinshu. Đồng hành cùng Cảnh từ những ngày đầu đó là cậu bạn người Nhật Daichi, đã được phân công làm tutor cho Cảnh. Cảnh đã được giúp đỡ rất nhiều trong thời gian mới sang còn nhiều bỡ ngỡ. Tới tận những ngày Cảnh sắp về như bây giờ, các giảng viên bên trường vì lo lắng cho việc sắp xếp hành trang mà đã dặn dò rất kĩ, lại còn có hẳng check list những việc cần làm trước khi quay về. Có thể là nhỏ nhưng những sự tận tâm này làm Cảnh rất cảm động và biết ơn.

Đọc đến đây thì chắc nhiều bạn đã hiểu được phần nào chặng đường 1 năm đầy những trải nghiệm, những cơ hội, thử thách của Cảnh. Với bản thân Cảnh thì hoàn toàn xứng đáng để Cảnh từ chối cơ hội ở Việt Nam và Cảnh chưa bao giờ hối hận vì điều này.

 



Cảnh luôn tâm đắc một câu nói: “Khi một cánh cửa đóng lại, một cách cửa khác sẽ mở ra”. Vậy  đằng sau cánh cửa mở ra ấy sẽ là điều gì thì chẳng ai biết được ngoài bạn. Nắm lấy cơ hội hay không, khám phá những điều mới mẻ sau cánh cửa mở ra hay không, hoàn toàn quyết định là ở bản thân bạn.

NGUYỄN CẢNH

Tin tức Liên quan