Chủ tịch nước đánh trống khai trường Trường Hy Vọng

02/10/2024

Chiều 26/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống mở đầu năm học mới 2022-2023 của hơn 200 học sinh Trường Hy Vọng (Hope School).

 

Đây là ngày hội tới trường đầu tiên của học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Hy Vọng. Các em đến từ 41 tỉnh thành, đều mồ côi cha, mẹ hoặc cả hai sau đại dịch Covid-19. Trong đồng phục áo xanh, quần ghi, học sinh xếp hàng đánh trống chào đón đại biểu, biểu diễn văn nghệ.

 

Những em 6 tuổi, nhỏ nhất Trường Hy Vọng, được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng dắt tay bước vào không gian ngày hội trong tiếng vỗ tay của khoảng 500 người tham dự.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Tập đoàn FPT cùng thầy cô Trường Hy Vọng trong việc gõ cửa từng nhà nạn nhân, thuyết phục người thân đưa con em ra Đà Nẵng học tập.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống mở đầu năm học mới ở Trường Hy Vọng.

 

Chủ tịch nước chia sẻ những khoảng trống của học sinh trong hai năm Covid-19, nhiều gia đình ly tán, mất người thân, nhiều em mất cả cha lẫn mẹ, bị tổn thương về tinh thần cũng như điều kiện phát triển. “Trong điều kiện như vậy, sự ra đời của Trường Hy Vọng là niềm mong đợi không chỉ của những gia đình chịu đau thương vì đại dịch”, ông nói.

 

Kể về tuổi thơ cùng nhiều bạn bè khó khăn được thầy cô yêu thương, dạy dỗ để trở thành công dân có trách nhiệm hôm nay, Chủ tịch nước nói: “Cá nhân tôi đồng cảm sâu sắc với các em. Từ trong gian khổ, nếu có ý chí vượt khó vươn lên và với sự quan tâm của xã hội, các em nhất định thành công”.

 

Nhắn gửi đến học sinh “học tập tốt, sống tốt là cách tốt nhất để báo hiếu, tri ân những người đã giúp đỡ mình”, Chủ tịch nước tin tưởng các thầy cô, Ban giám hiệu nhà trường, với sự đồng hành của tập đoàn FPT và các tổ chức liên quan, sẽ xây dựng ngôi nhà chung ấm áp, đầy tình thương và trí tuệ. Các em sẽ trở thành những trí thức biết yêu thương và hạnh phúc.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dắt tay các em nhỏ tại ngày hội tới trường.

 

Chủ tịch nước đã tặng bức tranh đá “Bác Hồ với th iếu nhi”, tuyển tập sách và bánh Trung thu cho học sinh nhà trường. Thay cho lời cảm ơn, các em trường Hy Vọng tặng Chủ tịch nước bức tranh tự tay thực hiện ba tuần qua.

 

Tại ngày hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình, thành viên sáng lập Trường Hy Vọng, cảm ơn sự hiện diện của Chủ tịch nước, cho thấy sự quan tâm của Nhà nước tới trẻ em yếu thế, giúp các em có thêm niềm tin và vững bước hơn trong tương lai.

 

Ông Bình nói điều tập đoàn mong muốn mang đến cho các em không chỉ là sự hỗ trợ nhất thời mà đồng hành đến trọn đời. Từ ngôi trường này, các em sẽ học tập, rèn luyện để “trở thành công dân trách nhiệm, biến đau thương thành sức mạnh, chinh phục những đỉnh cao và quay lại giúp ích cho đất nước”.

Đại diện cho các bạn, em Lưu Hữu Nghị, 17 tuổi, quê TP HCM, rụt rè nói “cảm ơn”. Sau khi cha qua đời vì bạo bệnh, mẹ mất vì Covid-19, Nghị quyết định nghỉ học, đi làm thuê lấy tiền nuôi em gái 15 tuổi ăn học. Hai anh em đồng ý ra Đà Nẵng học tập sau khi đã gửi tro cốt của cha mẹ cho người thân lo hương khói.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô, học sinh Trường Hy Vọng.

 

Từ ý tưởng xây ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19, Trường Tiểu học, THCS và THPT Hy Vọng đã ra đời, tọa lạc tại Khu đô thị FPT City (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Trường tiếp nhận học sinh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, tuổi từ 6 đến 18, ưu tiên các em hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng và được người giám hộ chấp thuận.

 

Học viên Trường Hy Vọng được bố trí theo học chính khóa tại hệ thống trường Liên cấp FPT tại Đà Nẵng (hệ phổ thông theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo); tham gia các chương trình đào tạo phát triển năng khiếu, phát triển cá nhân của từng em.

 

Nhà trường đặt mục hoàn thiện kỹ năng cho từng cấp học. Theo đó, cấp tiểu học biết tự dọn dẹp vệ sinh tư trang và phòng ở cá nhân; cấp THCS biết chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và biết tự giải quyết các vấn đề gặp phải trong cuộc sống; cấp THPT biết thích nghi với điều kiện và khả năng sống của mình, biết rõ định hướng nghề nghiệp, đích đến trong tương lai.

  Theo Vnexpress

 

Chia sẻ qua: