Chàng sinh viên Đại học FPT tài năng và phần mềm EduAR
Vừa qua, chung kết cuộc thi Sáng kiến xây dựng thành phố thông minh Bình Dương 2018 đã chính thức khép lại với nhiều đề tài thú vị và có tính ứng dụng cao. Nguyễn Phước Anh Khoa - sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm Đại học FPT cũng đã xuất sắc giành về cho mình giải Khuyến khích trong cuộc đua với sinh viên Việt Nam và Hàn Quốc.
Cùng trò chuyện với Anh Khoa để hiểu thêm về bạn ấy cũng như phần mềm giáo dục thông minh EduAR.
- Chào Khoa, chúc mừng bạn đã đạt được thành tích tốt sau vòng Chung kết cuộc thi “Sáng kiến xây dựng thành phố thông minh Bình Dương 2018”. Bạn có thể chia sẻ một chút cảm nhận của mình được không?
Mình cảm thấy thật may mắn khi cuộc thi này tổ chức trước khi mình tốt nghiệp để mình có cơ hội thử sức với nó. Với mình thì EduAR bây giờ chưa phải là mục tiêu của mình vì còn hạn chế là chỉ nhìn được trên thiết bị mà không được trải nghiệm thực tế, trong tương lai mình nhất định sẽ phát triển EduAR đến mức này. Đi được tới đây mình khá bất ngờ nhưng cảm thấy vui lắm!
- Không biết bạn biết đến cuộc thi này thông qua phương tiện truyền thông nào? Bạn đã nghĩ gì khi đăng ký tham gia cuộc thi này?
Mình được anh Trần Nguyễn Đăng Khoa, sếp của mình tại FPT Software - FSF.R&D và cũng là cựu sinh viên trường mình chia sẻ về cuộc thi này. Cuộc thi mang tầm vóc quốc tế với sự tham gia của các giám khảo, các đội đến từ Việt Nam và Hàn Quốc với sự chuẩn bị rất đầy đủ và chuyên nghiệp của BTC, các lĩnh vực của cuộc thi rất thiết thực và đem lợi ích cho xã hội không chỉ ở thành phố thông minh Bình Dương mà còn cho thế giới. Do đó, mình cũng muốn thử sức mình với cuộc thi để biết mình đang ở đâu để cố gắng, học hỏi nhiều hơn từ các đội bạn.
- Theo như thông tin từ trường cho biết thì đồ án tốt nghiệp của Khoa cũng là về AR, vậy không biết đề tài thi ở Bình Dương hôm trước có gì khác so với đề tài tốt nghiệp không?
Về cơ bản thì Đồ án tốt nghiệp và Đề tài thi ở WTA Smart city Bình Dương sử dụng Công nghệ Thực tế tăng cường (AR). Tuy nhiên ở đồ án tốt nghiệp, AR được sử dụng cho mục đích làm giải pháp tích hợp vào e-commerce cho online shopping giúp người mua hàng có thể ướm thử sản phẩm mọi lúc, mọi nơi với độ chính xác cao về kích thước, màu xác và mẫu mã.
Còn ở cuộc thi WTA Smart city BD, AR được áp dụng vào giáo dục thông minh mới mục đích đem lại trải nghiệm học tập mới lạ, chân thực và thú vị với sự đa dạng về các nội dung 3D kỹ thuật số chân thực, video được hiển thị trực tiếp trên tranh ảnh của sách. Mọi quyển sách, tranh ảnh hiện tại đều có thể được tăng cường thêm nội dung mà không cần tốn kém chi phí mua bất kì các sản phẩm phụ trợ nào. Điều này giúp tiết kiệm chi phí tối đa, đồng thời tạo sự dễ dàng và thuận tiện khi áp dụng công nghệ vào sách giáo khoa hiện tại.
- Việc cọ xát với các cuộc thi này có giúp Khoa học hỏi thêm và được trải nghiệm gì không?
Nhờ cuộc thi này Khoa mới có cơ hội trở lại Thành phố thông minh Bình Dương sau 4 năm kể sau khóa học lái xe ôtô của trường mình. Bình Dương phát triển rất nhanh và mang tầm vóc của các nước hiện đại với nhiều hạng mục hoành tráng và hiện đại.
Khi tham gia cuộc thi cùng các đội bạn, mình có cơ hội gặp gỡ các startup Việt Nam của các bạn đến từ nhiều trường đại học khác với nhiều lĩnh vực từ IoT, nông nghiệp sạch, trí thông minh nhân tạo… Qua đó mình đã được truyền lửa đam mê từ các bạn, được học thêm về nhiều các lĩnh vực khác. Về các đội từ Hàn Quốc, Khoa có cơ hội tiếp xúc giao lưu với bạn Hàn Quốc, thấy được sự chuyên nghiệp, chuẩn bị kĩ lưỡng về nội dung và cách trình bày đề tài của họ.
Và Khoa cũng rất may mắn khi có cơ hội được giao lưu cùng đội các bạn nữ duy nhất trong 7 đội đến từ Hàn Quốc. Các bạn Hàn Quốc rất thân thiện và đáng yêu khi giao lưu cùng em không chỉ ở các nội dung thi và còn về văn hóa của 2 đất nước.
Xin cám ơn Khoa về những chia sẻ vừa rồi.
CÓC SÀI GÒN (Thực hiện)
http://hcmuni.fpt.edu.vn/eduar-sang-kien-ve-giao-duc-thong-minh-cua-sinh-vien-dai-hoc-fpt/