“Cha đẻ” Angry Birds: “Nên khởi nghiệp từ ý tưởng đơn giản”

05/07/2019

Nhà đồng sáng lập tựa game Angry Birds nổi tiếng trên toàn thế giới, Peter Vesterbacka, mới đây có buổi giao lưu với học sinh sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT – FPT Edu chiều 9/4.

Sự kiện mang chủ đề “Không gì là không thể: Hệ sinh thái và đổi mới Phần Lan” còn có sự tham gia của hai khách mời khác là Tapio Rajahalme và Eemeli Oksanen – các nhà sáng lập ứng dụng Kanvas.

 

Peter Vesterbacka (áo đỏ) và hai nhà sáng lập sinh viên của Kanvas trong buổi chia sẻ với sinh viên công nghệ của Tổ chức Giáo dục FPT – FPT Edu.

 

Trước câu hỏi làm thế nào để biến những ý tưởng nhỏ trở thành một thành công lớn như Angry Birds, Peter nói: “Hãy giữ mọi thứ thật đơn giản khi bạn bắt đầu, Angry Birds đã đi những bước đầu tiên với những chú chim nổi giận. Sau đó, bạn cần tiếp tục kiên trì gắn bó với những gì mà mình yêu thích”.

Năm 2003, Peter cùng hai người bạn tại Đại học Hensinki (Phần Lan) tham gia một cuộc thi phát triển trò chơi trên điện thoại. Chiến thắng từ cuộc thi khiến nhóm quyết định thành lập công ty riêng, Rovio Entertainment Tuy nhiên, phải đến trò chơi thứ 52 do công ty phát hành – chính là Angry Birds, cả nhóm mới thành công.

Ý tưởng ban đầu của tựa game này là những hình vẽ về một đàn chim giận dữ, chạy xung quanh phá hủy mọi thứ. Trải qua nhiều lần sửa đổi, nhóm sáng lập mới hoàn thiện được thiết kế và phát hành game lên kho ứng dụng App Store. Bước đi này sau đó mở ra một trang mới cho công ty.
 
Sau 10 năm xuất hiện, Angry Birds hiện vẫn là một trong những tựa game thành công nhất thế giới với khoảng 300 triệu lượt tải về trên tất cả các nền tảng và phiên bản. Là trò chơi miễn phí trên nền tảng di động, Angry Birds vẫn biết cách liên tục tạo ra những câu chuyện mới và nhiều cách chơi sáng tạo khác nhau. Trải qua nhiều phiên bản, “những chú chim giận dữ” được đánh giá ghi dấu ấn tốt bởi hình ảnh sinh động, hài hước, lối chơi gây nghiện và chi phí thấp.

Nói về khó khăn lớn nhất, nhà sáng lập Rovio Entertainment khẳng định đó là việc mọi người luôn lo lắng quá nhiều.

“Việc luôn lo lắng và nghĩ về những thứ cần giải quyết trong tương lai đôi khi không mang lại những tác động tích cực. Điều duy nhất chúng ta cần làm là hành động ngay bây giờ. Thời điểm tốt nhất để làm việc chính là hiện tại”, Peter khẳng định.

Ông cũng đưa ra tư vấn về cách để giữ sức cạnh tranh cho doanh nghiệp: “Hãy khiến sản phẩm của bạn trở nên khác biệt. Điều này đòi hỏi việc Marketing cần nổi bật ở mọi cấp độ: cá nhân, công ty và sản phẩm”.

Bên cạnh Peter Vesterbacka, chương trình còn có sự tham gia của Tapio Rajahalme và Eemeli Oksanen – hai nhà sáng lập Kanvas vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Tapio và Eemeli đang có kế hoạch thành lập Kanvas Việt Nam và tìm kiếm những ứng viên quan tâm, sẵn sàng bắt đầu hành động.

Lý giải về phong trào khởi nghiệp sớm, các khách mời cho biết văn hóa của Phần Lan là văn hóa tin tưởng và sẵn sàng trao cơ hội cho người trẻ. Nhờ đó, Kanvas hay rất nhiều các startup non trẻ ở đất nước này có nhiều cơ hội để phát triển. Hiện Phần Lan cần khoảng 50.000 vị trí trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, phát triển game… Đây là cơ hội dành cho các sinh viên công nghệ, doanh nhân khởi nghiệp ở Việt Nam đang có ý định tìm hiểu cơ hội học tập, làm việc và sinh sống tại quốc gia Bắc Âu này.

 

Theo FPT Edu
 

Chia sẻ qua: