Xã hội hóa giáo dục: Đưa giáo dục đào tạo hội nhập thế giới

02/02/2020

Chủ trương xã hội hóa giáo dục, theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đã không chỉ giúp giải quyết vấn đề tài chính từ ngân sách nhà nước dành cho nhu cầu phát triển giáo dục mà còn mở rộng các chủ thể tham gia vào giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Đào tạo có sự tham gia của nhà sử dụng lao động

Ngay từ khi mới là sinh viên, Ngô Quang Khánh, Trường đại học FPT ngành Kỹ thuật phần mềm, đã được nhận vào thực tập và làm việc với khách hàng Nhật Bản tại Công ty CP Phần mềm FPT (FPT Software). Trong quá trình đó, Khánh đã tự nâng cao trình độ tiếng Nhật, học văn hoá người bản địa và mở rộng quan hệ với các công ty Nhật Bản. Sau kỳ thực tập, Khánh xuất sắc vượt qua vòng tuyển chọn, và được sang Nhật theo chương trình hợp tác phát triển giữa Đại học FPT với Tập đoàn SBI Holdings. Đến giờ, Khánh vẫn đang làm việc tại đây, với mức lương mà nhiều người mơ ước.

 


Khánh chỉ là một trong số nhiều sinh viên có năng lực, ngoại ngữ và chuyên môn vững chắc của Đại học FPT đáp ứng tốt yêu cầu tuyển dụng của những người sử dụng lao động khắt khe từ Nhật Bản. Trên website của trường, bà Phạm Tuyết Hạnh Hà – Trưởng Phòng Công tác sinh viên cho biết, hiện nay có 10-15% cựu sinh viên Trường đại học FPT đang học tập và làm việc tại nước ngoài, trong đó 50% đang học tập và làm việc tại Nhật Bản.

Trường đại học FPT là một trong những cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu là “tấm gương” điển hình về xã hội hoá giáo dục.

Sau 5 năm thực nghiện Nghị quyết số 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra theo từng ngành đào tạo.

Kết quả là nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tích cực rà soát, điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, phù hợp với từng ngành, nhóm ngành đào tạo và việc phân tầng của hệ thống giáo dục đại học, tăng cường năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

“Đào tạo kết hợp với doanh nghiệp được xem là một đột phá của nhiều trường (như Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học FPT…) trong các hoạt động xây dựng chương trình giảng dạy, thực tập, kiến tập,… các nội dung do doanh nghiệp đặt hàng”, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.

Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển giáo dục

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong giáo dục đào tạo, ngày 4-11-2013, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.

Nghị quyết xác định: Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả; xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

 

Theo Bộ giáo dục và Đào tạo, kể từ sau khi Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư ra đời, xã hội hóa giáo dục trong những năm qua đã đạt góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi ra lớp, phổ cập giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển loại hình trường, lớp, chương trình chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách. Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục.

Số liệu của Bộ giáo dục và Đào tạo cho biết, tại thời điểm năm 2015, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục TCCN và giáo dục đại học cả nước đã thu hút được xấp xỉ 18 nghìn dự án trong nước. Số dự án này đã tạo ra xấp xỉ 1,8 triệu chỗ học, gần 200 nghìn chỗ làm việc (trong đó khoảng 112,6 nghìn chỗ làm việc cho giáo viên và giảng viên); cung cấp cho thị trường lao động hơn 93,1nghìn người/năm đã qua đào tạo trình độ TCCN, cao đẳng và đại học.

“Xã hội hóa giáo dục đã giúp thúc đẩy quá trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về dạy, học và quản lý giáo dục, góp phần đưa giáo dục và đạo tạo hội nhập với các nước trong vùng và trên thế giới”, báo cáo của Bộ giáo dục và Đào tạo về sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết 29 đã nhấn mạnh.

Theo báo cáo, các lĩnh vực công nghệ mới được chuyển giao bao gồm phương pháp dạy học, xây dựng và phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy; phát triển tổ chức và đội ngũ, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch giáo dục và quản trị cơ sở giáo dục, đào tạo…

Nhiều chương trình giáo dục tiên tiến theo hướng tiếp cận năng lực, phát triển các kỹ năng mềm, quan tâm nhiều hơn đến hoạt động ngoại khóa giúp học sinh, sinh viên phát triển thể chất, năng khiếu và tính sáng tạo, chủ động hòa nhập và chấp nhận cạnh tranh khi đi ra môi trường quốc tế đã được quan tâm, nghiên cứu và triển khai trong thực tế.

Cụ thể, tính đến năm học 2016-2017, đã có 35 chương trình tiên tiến ở 23 cơ sở đào tạo; 16 chương trình kỹ sư chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Cộng hoà Pháp ở 4 cơ sở đào tạo và 56 chương trình chất lượng cao ở các cơ sở khác. Ngoài ra, các trường đại học còn có hơn 500 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học ở các nước trên thế giới.

Tính đến hết năm học 2018-2019, đã có gần 550 chương trình hợp tác và liên kết đào tạo đang hoạt động giữa 85 cơ sở giáo dục Việt Nam với 258 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thuộc 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã tuyển được 86 nghìn sinh viên, học viên trong đó có khoảng 48 nghìn người đã tốt nghiệp ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và các trình độ khác; và 38.000 người đang học.

Những thành công của cá nhân chàng sinh viên Ngô Quang Khánh, của Trường đại học FPT và nhiều cơ sở đào tạo khác là ví dụ điển hình về những thành công trong chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá giáo dục. Đây chính là một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước phù hợp với sự phát triển của xã hội.

 Theo Báo NHÂN DÂN

Ảnh minh hoạ: FPTU HCM

Chia sẻ qua: