Bộ GD-ĐT yêu cầu, các trường xét tuyển bổ sung phải đảm bảo mức điểm chuẩn các đợt sau không được thấp hơn đợt 1 và xét theo thứ tự từ cao xuống thấp.
17h00 ngày 5/10, tất cả các trường đại học đã công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Thí sinh trúng tuyển sẽ phải xác nhận nhập học trước 17h00 ngày 10/10 (theo dấu bưu điện).
Sau khi hoàn tất việc xét tuyển đợt 1, kể từ ngày 10/10, nếu các trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu đã công bố ban đầu (có thể do ít hồ sơ nộp vào hoặc có thể do nhiều thí sinh đỗ nhưng không xác nhận nhập học) có thể xét tuyển bổ sung các đợt tiếp theo. Việc xét tuyển đợt tiếp theo có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần và triển khai đến hết năm 2020. Sau đó, trường sẽ phải báo cáo về Bộ GD-ĐT trước ngày 28/2/2021.
Thí sinh trúng tuyển sẽ phải xác nhận nhập học trước 17h00 ngày 10/10
Để xét tuyển bổ sung, Bộ GD-ĐT cho biết, các trường phải công bố chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ, thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển,… và công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng để thí sinh nắm được.
Bộ GD-ĐT lưu ý, các trường xét tuyển bổ sung phải đảm bảo điểm chuẩn các đợt sau không được thấp hơn đợt 1 và xét tuyển theo quy trình như đợt 1 nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh và sự công bằng trong tuyển sinh.
Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, trường phải công bố công khai điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển và cập nhật danh sách xác nhận nhập học lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh không trúng tuyển hoặc đã trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học vào trường nào có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung vào nhiều trường, nhiều ngành và nhiều đợt khác nhau.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện tại có hơn 46% đơn vị chưa tuyển đủ chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, còn nhiều trường, ngành xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác cũng chưa tuyển đủ chỉ tiêu.